"Cứu" bầu Đức, HAG bật tăng: Chỉ là phản ứng nhất thời!
Ngay sau khi thông tin Hoàng Anh Gia Lai được xem xét giải cứu, bộ đôi cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai và HNG của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đã tăng kịch trần trong phiên giao dịch này 17/05/2016.
Sau 7 năm niêm yết trên sàn, lần đầu tiên thị trường chứng khoán chứng kiến cảnh nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu nhà Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Có thể nói, chỉ trong 1 thời gian ngắn nhưng mã cổ phiếu HAG lừng lẫy một thời lại lao đao rớt giá thảm khi thông tin về những đồn đoán đối với các khoản nợ khủng đã đẩy mã cổ phiếu HAG xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Tính đến giữa tháng 4/2016, giá cổ phiếu HAG ở mức 6.900 đồng, đây là mức thấp nhất kể từ khi cổ phiếu này niêm yết.
Tuy nhiên, mới đây, thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ "cứu" Hoàng Anh Gia Lai đã giúp cho cổ phiếu nhà HAG bật tăng trở lại.
Tính đến ngày 17/5, HAG tăng 500 đồng/CP lên 7.900 đồng/CP. Tuy nhiên, theo nhận định của bà Trần Hải Yến, chuyên viên phân tích vĩ mô CTCK Bảo Việt, đây có thể chỉ là phản ứng nhất thời ngắn hạn của thị trường. Về cơ bản, đà tăng của hai cổ phiếu này chỉ có thể bền vững khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có sự cải thiện một cách cơ bản và rõ nét trong các quý tới.
Trước đó, ngày 16/05, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với sự tham dự của nhiều cục, vụ chức năng đã họp bàn và xem xét thông qua đề xuất của các ngân hàng về phương án tái cơ cấu nợ cho Hoàng Anh Gia Lai. Sau khi phân tích kỹ lấy ý kiến các cơ quan liên quan, NHNN đã nhất trí và sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Tính đến cuối năm 2015, nợ phải trả của HAG lên đến 32.900 tỷ đồng, trong đó có sự góp mặt của gần chục ngân hàng thông qua vay nợ trực tiếp và mua các khoản trái phiếu của HAGL. Ba chủ nợ lớn nhất của HAG gồm: BIDV với hơn 10.000 tỷ đồng, Eximbank với gần 4.000 tỷ đồng và VP Bank với 2.800 tỷ đồng.
Ảnh Internet |
Trước đó, các ngân hàng là chủ nợ của HAGL đã nhóm họp tại Hà Nội với sự chủ trì của BIDV và thống nhất trình NHNN xin tái cơ cấu một số khoản nợ. Điều mong đợi nhất của các chủ nợ và HAGL là được phép giữ nguyên nhóm nợ một số khoản vay để doanh nghiệp này đủ điều kiện vay tiếp và có dòng tiền hoạt động, và điều này đã được NHNN chấp thuận.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của BIDV, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, giá trị tài sản đảm bảo của HAG mà BIDV đang nắm giữ là hơn 18 nghìn tỷ đồng trên tổng dư nợ 10.500 tỷ đồng. Ông Trần Bắc Hà cũng khẳng định, giá cao su dù giảm nhưng nếu bán đi tài sản thế chấp của HAG, BIDV hoàn toàn có thể thu hồi hết các khoản nợ.
Được biết, Hoàng Anh Gia Lai đã trồng gần 38.500 ha cao su, việc giá cao su thế giới giảm mạnh là nằm ngoài dự tính của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức. Giá cao su thế giới đã đạt đỉnh 30 năm vào tháng 2/2011. Từ đó đến nay, giá cao su không ngừng giảm, hiện dao động quanh mức 80 Cent/Pound, giảm sâu so với mức đỉnh 280 Cent/Pound.
Theo báo cáo hợp nhất, quý 1/2016, HAGL đạt 1.972 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 88% so với cùng kỳ 2015. Tuy nhiên, do biên lãi gộp phần lớn giảm mạnh, cộng với khoản thất thu từ hoạt động khác, HAGL lãi sau thuế 91 tỷ đồng, chỉ bằng 30% kết quả cùng kỳ năm 2015.
Điều ngạc nhiên khi đây là lần đầu tiên sau 2 năm, HAGL chính thức không thu được 1 đồng doanh thu nào từ việc bán mủ cao su. Ngay cả phần giải trình kết quả kinh doanh quý 1/2016 giảm so với cùng kỳ, HAGL cũng không nhắc tới mảng cao su.