Cưỡi sóng giúp ngư dân
Cưỡi sóng giúp ngư dân
Tàu CSB9002 lai dắt tàu cá QNg90046TS về đất liền. |
“12g15 ngày 31-3-2012, đúng vào thứ bảy, chúng tôi nhận lệnh tìm kiếm cứu nạn tàu cá QNg90046TS đã trôi dạt trên biển từ ngày 26-3-2012, cách đất liền gần 350 hải lý về phía đông bắc” - thuyền trưởng Ngô Thái Cảnh kể. Tàu CSB9002 lao ra biển giữa lúc mưa dông, biển động dữ dội. Gió giật cấp 7, cấp 8. “Có lúc anh em xuống mũi tàu làm nhiệm vụ nhưng người ở trên cabin không thể nhìn thấy gì” - thuyền phó Vũ Xuân Tiến nhớ lại. Anh Tiến cho biết thêm: “Chúng tôi rất sốt ruột. Vì đi ngược sóng, ngược gió nên tàu chỉ chạy ở tốc độ 5 hải lý/giờ mà tàu bị nạn đã lênh đênh trên biển bảy ngày, máy lại bị hỏng, tinh thần ngư dân hoảng loạn do nhiều ngày vật lộn với sóng gió và cái chết”.
Hành trình trong dông bão
Lúc đầu, tàu gặp nạn cách bờ 350 hải lý nhưng sau đó trôi dạt thêm mấy chục hải lý. Việc xác định vị trí tàu bị nạn không dễ do rađa không bắt được vì mục tiêu quá nhỏ. “Chúng tôi chỉ xác định tọa độ ban đầu rồi tính toán vị trí trôi dạt theo hướng gió, hướng dòng tính toán để đón đường” - thuyền trưởng Ngô Thái Cảnh cho biết.
6g50 ngày thứ ba, từ trên cabin, anh em phát hiện phía trước có vệt đen nhô lên, bé và rất mờ. “Quan sát bằng ống nhòm nhiều lần thật cẩn thận và cả bằng kinh nghiệm, chúng tôi đoán đó chính là tàu cá QNg90046TS vì lúc đó không có tàu nào đang hành trình trong khu vực” - trung úy Nguyễn Đức Ngọ, chính trị viên của tàu CSB9002, nói. Sóng quá lớn, tàu thấp hơn ngọn sóng nên bị lọt thỏm. Khi sóng đẩy lên mới nhìn thấy tàu. “Chúng tôi lập tức gọi bộ đàm, kiểm tra và thông báo: “Tàu cảnh sát biển 9002 đang hành trình ra cứu hộ các anh...”, vừa nghe đến đây thì tiếng bên kia vang lên rất khẩn nài: Sóng gió to lắm các anh ơi, mau mau ra cứu chúng em với. Thuyền chúng em sắp bị sóng đánh chìm rồi” - thuyền trưởng Ngô Thái Cảnh kể. Khi ấy, tàu cá đã bị nước tràn vào, phải tát nước liên tục.
Khi thấy tàu cảnh sát biển VN, tất cả ngư dân ào ra bên ngoài, dùng hết sức lực lấy áo, lấy can nhựa vẫy, hò reo. “Nhìn ngư dân mình thương lắm, ai cũng áo quần rách bươm, tóc tai dựng ngược, da sạm đen, tái nhợt. Đứng ở trong tàu của mình mới thấy tàu của ngư dân mình sao nhỏ bé, mong manh quá. Anh em bảo nhau: ngư dân mình quá dũng cảm” - thuyền trưởng Ngô Thái Cảnh nói. Anh Cảnh quyết định đưa nước ngọt, lương thực, thuốc và cẩn thận viết hướng dẫn sử dụng thuốc... chuyển trước qua dây cho bà con.
Khi 15 chiến sĩ được huy động làm dây kéo để chuẩn bị lai dắt tàu cá về cũng là thời điểm sóng đánh dữ dội hơn. Sóng múc từng tảng nước lớn lên tàu, quăng quật anh em chiến sĩ qua bên này rồi lại lôi sang bên kia. Sợi dây kéo to bằng bắp chân bị dịch chuyển theo từng đợt sóng. Tuy đã có găng tay bảo vệ nhưng những bàn tay bộ đội vốn rắn chắc là thế vẫn rát bỏng, dù sóng gió và mưa lạnh cóng nhưng những người làm nhiệm vụ trên boong vẫn toát mồ hôi, có nhiều chiến sĩ vừa làm vừa nôn vì say sóng.
Sau khi hệ thống dây mạng nhện ở boong tàu đã làm xong, đang chuẩn bị chuyển dây kéo sang tàu của ngư dân thì bất ngờ một đợt sóng cao đánh vọt từ bên này qua bên kia, nhiều anh em bị trượt chân ngã soài trên mặt boong. Có ba người bị sóng dồn trôi về phía thành tàu! “Khi đó ở trên cabin, anh em chỉ huy nín thở, thót tim vì boong tàu rộng tới 12m, chiến sĩ mình bị sóng đánh va vào thành tàu là bị chấn thương hoặc rơi xuống biển rất nguy hiểm. Khi chỉ còn cách thành tàu gần 3m thì anh em bám được vào sợi dây mạng nhện” - thuyền trưởng Ngô Thái Cảnh kể lại khoảnh khắc sinh tử ấy. Anh nói thêm: “Khi tìm được tàu và biết ngư dân mình đều an toàn, anh em làm rất hăng, không nghĩ gì đến say sóng, mệt mỏi và đói nữa”. Chiều 4-4-2012, tàu cá bị nạn cùng 11 ngư dân đã được tàu CSB9002 đưa về cảng Kỳ Hà an toàn, kết thúc một hành trình đầy dông bão.
Sĩ quan quân y của tàu CSB9002 sơ cứu vết thương cho ngư dân tàu QNa91594TS. |
45 giờ tìm kiếm
10g30 ngày 17-6-2012, điện tối khẩn từ Cục Cảnh sát biển VN gửi về Vùng cảnh sát biển 2: lệnh cho tàu CSB9002 làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tàu QNa91594TS bị hỏng máy trên vùng biển Hoàng Sa, cách đất liền 600km. Tình hình 12 ngư dân trên tàu sức khỏe yếu do phải vật lộn nhiều giờ với sóng, gió, đói và lạnh, trong đó có một ngư dân bị ốm từ trước và đang trong tình trạng khó thở, một người bị thương nặng ở tay và chân rất nguy cấp.
Tàu CSB9002 lại lao ra nghìn trùng sóng gió, giữa lúc đang có ảnh hưởng của cơn bão số 2. Sóng cấp 7, cấp 9. Gió giật cấp 8, cấp 9! Thiết kế của tàu CSB9002 có khả năng không bị hạn chế về cấp sóng, gió. Nhưng sức người thì có hạn. Đến ngày thứ hai, sóng đánh không nấu cơm được, nấu đến đâu sóng đánh đổ hết. Và cũng từ đó không ít chiến sĩ bị “sóng vật”, không ăn uống được gì. Người nào khỏe thì ăn lương khô, mì gói sống, uống sữa hoặc uống nước và một viên thuốc chống đau bụng để làm nhiệm vụ. Suốt 4-5 ngày liền, nhiều người không ăn được một miếng lương khô, chỉ uống nước để ói. “Có người vừa đưa được một miếng vào miệng đã phải chạy ngay vào nhà vệ sinh nôn thốc nôn tháo, nôn xong lại ra cố ăn tiếp” - chính trị viên Nguyễn Đức Ngọ kể.
Trong hành trình ấy, tàu CSB9002 đã chủ động sử dụng tốc độ cao, mở đài canh thông tin liên tục 24/24 giờ và radio cảng vụ các tỉnh ven biển để bắt liên lạc với tàu cá bị nạn. Sau 45 giờ tìm kiếm, 6g50 ngày 19-6-2012 tàu cá QNa91594TS đã được tìm thấy. Vất vả nhất là khi làm dây kéo. Biển động mạnh. Sóng đánh cao 5-6m, đánh vọt lên tận cabin. Anh em làm nhiệm vụ phải buộc dây quanh người và kết dây dọc mạn tàu để di chuyển. Anh em chiến sĩ đứng trên mặt boong giăng dây ngang dọc thành hệ thống mạng nhện làm dây bám để chuyển dây tiếp cận tàu cá. Nhưng có khi tàu lắc ngang tới 45 độ, thuyền trưởng nhìn thấy kim đồng hồ đo độ lắc ngang quay hết kim! Sóng cứ đánh tràn lên cabin, anh em phải vừa bám vào dây mạng nhện để đảm bảo an toàn vừa chuyển dây kéo.
Do sóng quá lớn, tàu CSB9002 không thể đến gần tàu cá vì sợ sóng gió va đập làm vỡ tàu ngư dân, cũng không thể hạ xuồng để đưa người, đưa quân y và dây kéo sang tàu cá. “Chúng tôi phải cơ động vòng quanh tàu thả dây kéo cho bà con, giữ khoảng cách tối thiểu 50m. Phải mất 2-3 giờ, dây kéo mới chuyển được lên tàu của ngư dân. Bà con bảo nếu ra chậm một ngày nữa là tàu chìm. Họ đã đánh được 14 tấn cá nhưng nước biển tràn vào, phải đổ đi 8 tấn” - thuyền phó Vũ Xuân Tiến kể.
Gần 1g sáng. Chiến sĩ trực dây kéo báo sóng đánh đứt dây kéo. Toàn tàu báo động. “Tập trung anh em làm lại dây kéo trong đêm tối rất nguy hiểm vì sóng gió mù mịt, tàu lắc lư chao đảo” - chính trị viên Nguyễn Đức Ngọ nói. Giữa đại dương mênh mông, mù mịt mưa gió và sóng, tất cả diễn ra dưới ánh sáng của ngọn đèn pha từ tàu cảnh sát biển. Mất hai giờ mới làm xong dây kéo và lại cơ động xung quanh tàu cá, thả dây. “Khi kéo tàu về rất sợ dây cuốn vào chân vịt tàu cá nên việc đảm bảo giữ khoảng cách an toàn rất quan trọng. Chúng tôi phải cử một người chỉ rọi đèn pha bám sát tàu cá” - trung úy Trần Đức Thanh, trưởng ngành 5 vận hành máy, kể.
9g30 ngày 22-6-2012, tàu QNa91594TS đã về đến cảng Kỳ Hà. “Xúc động nhất là khi đưa tàu về cảng - thuyền trưởng Ngô Thái Cảnh chia sẻ - Những người mẹ, người vợ bật khóc khi thấy con, thấy chồng mình trở về từ cõi chết. Họ ào xuống tàu ôm lấy chúng tôi, nghẹn ngào nói câu cảm ơn. Anh em chúng tôi vui như chính người thân của mình trở về”.
Trung tá Lê Trọng Phổ - chủ nhiệm chính trị Vùng cảnh sát biển 2 - cho biết: “Cứu nạn cứu hộ ngư dân được chúng tôi xác định là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Đây là nhiệm vụ quan trọng ngoài duy trì an ninh trật tự, bảo đảm an toàn; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thực thi pháp luật trên biển VN”. Ánh mắt người chủ nhiệm chính trị ánh lên niềm tự hào khi nhắc đến tàu CSB9002. Chiếc tàu này từng bảo vệ Nhà máy lọc dầu Dung Quất 21 tháng, bảo vệ tàu thăm dò địa chấn tại vùng biển DK1, bảo vệ tàu Viking 2 và Voyager...
Đặc biệt luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ ngư dân. Hai câu chuyện cứu tàu cá QNg90046TS và tàu QNa91594TS đầu năm 2012 là một minh chứng.
Theo My Lăng/Tuổi trẻ