Cuộc VĐ giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt: Sự nghiệp không thể bị lãng quên

Muốn xây dựng và phát triển con người, xây dựng và phát triển xã hội, xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta không thể không phát triển tiếng Việt, công cụ giao tiếp, công cụ tư duy, công cụ phát triển của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam.

LTS: Tiếng Việt – giàu và đẹp. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết:  "Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó nhằm làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng là đầu óc hay ỷ lại hay sao?”. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã có nhiều cuộc vận động nhằm phát triển tiếng Việt. Trong số này có cuộc cuộc vận động “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. 

Cuộc vận động này tập trung vào 3 nội dung: Giữ gìn và phát triển vốn chữ của tiếng ta;Nói và viết đúng phép tắc của tiếng ta; Giữ gìn bản sắc, tinh hoa, phong cách của tiếng ta trong mọi thể văn (văn nghệ, chính trị, khoa học, kĩ thuật,...). Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định: "Đây là một công việc lâu dài, phải kiên trì, phải nhìn xa, thấy rộng, phải làm từng bước với tất cả ý thức trách nhiệm của mỗi người chúng ta, với lòng tự hào về tiếng nói của dân tộc và với lòng phấn khởi và tin tưởng đang góp phần của mình vào một công việc vừa quan trọng vừa tốt đẹp vô cùng”. 

Tuy nhiên dưới những biến thiên của lịch sử, ngôn ngữ của người Việt cũng được thay đổi rất nhiều. Ở đó có sự pha trộn của nhiều thứ tiếng, đặc biệt trong thời kỳ mở cửa hội nhập, nhiều từ mượn mặc nhiên tồn tại trong những văn bản, trên những trang báo… Tiếng ta còn, thì nước còn. Nhằm “trả lại” và “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, bắt đầu từ  hôm nay, báo Điện tử Infonet mở chuyên mục “Viết sao cho đúng”, nhằm mang đến cho độc giả những bất cập trong việc sử dụng từ vựng tiếng Việt hiện nay mà đôi khi bản thân người dùng cũng không chú ý.

Cuộc VĐ giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt: Sự nghiệp không thể bị lãng quên - ảnh 1

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết về việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt

Năm mươi năm trước, giữa lúc chính quyền Johnson tăng cường leo thang chiến tranh, đánh phá dữ dội Miền Bắc nước ta, trong các ngày từ 7/2 đến 10/2/1966, một hội nghị toàn quốc về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chủ trì hội nghị, đã có bài phát biểu sâu sắc về tiếng Việt và nhiệm vụ giữ gìn, phát triển tiếng Việt – bài phát biểu được coi như ý kiến chính thức của lãnh đạo Đảng, Nhà nước mở đầu cuộc vận động giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Mười ba năm sau, giữa lúc hai cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc vừa kết thúc, quân bành trướng Trung Quốc vẫn còn lăm le tiếp tục các hành vi xâm lược nước ta, ngày 29/10/1979, hội nghị toàn quốc lần thứ hai về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt lại được mở ra ở Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Cả hai hội nghị đều được tổ chức vào thời điểm vận mệnh quốc gia đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Điều đó không chỉ thể hiện tình yêu và ý thức trách nhiệm đối với tiếng Việt – “của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc” như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó còn thể hiện nhận thức sâu sắc của nhân dân ta, của một thế hệ lãnh đạo và trí thức có tầm văn hóa cao về vai trò của văn hóa – nguồn cội sức mạnh của dân tộc, yếu tố quyết định thắng lợi của công cuộc giữ nước và dựng nước suốt hàng nghìn năm lịch sử.

Sau này, trong những năm tháng học tập ở Leningrad, Liên Xô (nay là Saint Petersbourg, CHLB Nga), đọc lịch sử và nghe những người lớn tuổi kể về 900 ngày đêm bị quân đội phát xít Đức vây hãm, bắn phá, thiếu thốn đủ bề, người dân thành phố vẫn chuyển hàng triệu triệu bao cát đắp kín các tượng đài, các công trình văn hóa để giữ cho đất nước Nga và nhân loại thành phố đẹp như mơ bên bờ sông Nheva, tôi không khỏi liên tưởng đến hai hội nghị về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt diễn ra trong lúc vận nước nguy nan, có bao nhiêu chuyện phải lo, bao nhiêu việc phải làm. Mặc dù hai việc cụ thể khác nhau, diễn ra ở hai nước khác nhau trong hoàn cảnh khác nhau nhưng cả hai đều thể hiện niềm tin kiên định vào chiến thắng, ý thức trách nhiệm với văn hóa và nhận thức sâu sắc về sức mạnh của truyền thống văn hóa dân tộc.

Riêng với nhà hoạt động cách mạng, nhà văn hóa Phạm Văn Đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt còn là một nỗi niềm canh cánh cho đến cuối đời. Tôi có ấn tượng đặc biệt về điều này qua hai buổi làm việc với ông năm 1998, hai năm trước khi ông từ trần. Lần ấy, ba anh em chúng tôi là GS.TS Đỗ Hữu Châu, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; PGS.TSKH Lý Toàn Thắng, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học và tôi được mời lên gặp ông tại ngôi nhà nhỏ hai tầng phía sau Phủ Chủ tịch.

Năm ấy vị cựu Thủ tướng nổi tiếng đã 92 tuổi. Mắt ông đã mờ, sức cũng không còn khỏe, phải ngả hẳn người vào chiếc ghế mây nghe chúng tôi báo cáo. Nhưng ông nghe rất chăm chú, thỉnh thoảng lại bật dậy, hỏi: “Đồng chí rút ra kết luận gì?”, “Đồng chỉ có kiến nghị gì?” v.v… hoặc trao đổi với chúng tôi quan điểm của mình. Sau hai buổi làm việc, nghe, hỏi và trao đổi rất nhiều, ông tỏ ra rất vui, nhận xét: “Tôi không ngờ là chúng ta đã làm được rất nhiều việc. Rất tốt.” Ông cũng cho biết có ý định viết thêm một bài nữa về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Vì biết cả ba chúng tôi đều nói được tiếng Pháp, ông tâm tình: “C’est mon derrnier souci” (Đây là mối lo cuối cùng của tôi đấy).

Sau hai buổi làm việc ấy ít lâu, báo Nhân Dân đã trang trọng đăng bài viết Trở lại vấn đề giữ gìn và phát triển sự trong sáng của tiếng Việt của ông Phạm Văn Đồng. Không ngờ, đó là bài viết cuối cùng của vị chính khách lão thành, nhà văn hóa lớn trước lúc đi xa.

Trong bài viết, tác giả Phạm Văn Đồng khẳng định: “Muốn xây dựng và phát triển con người, xây dựng và phát triển xã hội, xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta không thể không phát triển tiếng Việt, công cụ giao tiếp, công cụ tư duy, công cụ phát triển của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam.”

Đặt vấn đề giữ gìn bản sắc và phát triển tiếng Việt trong bối cảnh hội nhập, ông quan niệm: “Một ngôn ngữ được đánh giá là phát triển khi nó ngày càng có tính chất trí tuệ hóa và quốc tế hóa. Điều này rất quan trọng khi ta đặt tiếng Việt trong bối cảnh thời đại ngày nay: thời đại của thông tin, của trí tuệ; thời đại của hội nhập khu vực, hội nhập toàn cầu, và do đó, tiếng Việt phải có những chuẩn bị, những thay đổi, để có đủ thế và lực giao lưu, tiếp xúc với các ngôn ngữ khác trên thế giới mà không sợ bị tổn thương đến giá trị, bản sắc, đến sự giàu đẹp của nó.”

Ông cũng nêu lên nhận định khái quát về những hiện tượng thiếu trong sáng, thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt: “Trong nhà trường, học sinh, sinh viên nói, viết tiếng Việt còn sai nhiều về chính tả, về cách dùng từ ngữ, về ngữ pháp. Đây là một điều mà chúng ta không thể chấp nhận được, bởi vì việc giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt của chúng ta cốt yếu là nhằm vào trường học, phải làm sao cho học sinh, sinh viên nói tốt và viết tốt tiếng Việt […] Trong đời sống xã hội, có thể nhận định chung rằng: một mặt, khá phổ biến là tình trạng chính tả chữ viết (như viết "i" ngắn "y" dài, viết hoa các danh từ riêng) không thống nhất, cách dùng từ ngữ sai. Mặt khác, đáng lo ngại hơn là tình trạng sử dụng từ ngữ nước ngoài pha vào tiếng Việt hiện nay rất tùy tiện và lạm dụng đến mức báo động […] Cũng cần phải lên án một cách nghiêm khắc hiện tượng xấu ở các thành phố lớn như thủ đô Hà Nội, bộ mặt của cả nước, cho phép các loại quảng cáo, các biển hiệu cửa hàng, công ty, khách sạn,... bằng chữ nước ngoài, thậm chí không cần chữ Việt. Phải chăng là không có ai làm chủ để chăm lo cho bộ mặt cực kỳ quan trọng của thành phố; hay là do ý thức, do trách nhiệm, do trình độ của những người quản lý nó?”

Bài viết cũng chỉ ra những biện pháp toàn diện nhằm giữ gìn bản sắc và phát triển tiếng Việt cũng như thực hiện chính sách của Nhà nước về ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số và ngoại ngữ: 

“Chấn chỉnh việc dạy và học tiếng Việt ở nhà trường phổ thông và đại học; cũng như việc sử dụng tiếng Việt trên sách báo, truyền thanh, truyền hình, thông tin điện tử; Tăng cường việc biên soạn các sách công cụ về tiếng Việt, nhất là sách ngữ pháp và từ điển; Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận về chuẩn hóa, về phát triển ngôn ngữ; Tập trung điều tra khảo sát đời sống ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay, nhất là chiều hướng phát triển từ 1975 đến nay. 

Riêng đối với Nhà nước thì cần có càng sớm càng tốt một Hội đồng quốc gia về ngôn ngữ, để chăm lo về tiếng Việt, các tiếng dân tộc thiểu số, cũng như về công việc giảng dạy và sử dụng tiếng nước ngoài trên đất nước ta.”

Gần 20 năm đã trôi qua từ ngày ba anh em chúng tôi có cuộc làm việc với bác Phạm Văn Đồng, tôi vẫn nhớ như in giọng nói nhỏ nhẹ nhưng đầy hào hứng của ông: “Tôi không ngờ là chúng ta đã làm được rất nhiều việc. Rất tốt.” Nhưng đến bây giờ, tôi chắc nhiều người sẽ đồng ý với tôi là chúng ta không còn có thể báo cáo với ông về kết quả cuộc vận động giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mà chính ông đã phát động năm 1966 như thế nữa.

Những hiện tượng thiếu trong sáng, thiếu chuẩn mực mà ông chỉ ra trong bài viết nói trên càng ngày càng trầm trọng thêm. Không những thế, ở nhiều cơ sở giáo dục, nhiều môn học, người ta đang đẩy dần tiếng Việt ra khỏi vị trí ngôn ngữ chính thức, thay thế nó bằng tiếng Anh. Thành quả phát triển tiếng Việt mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đem lại đang có nguy cơ bị đẩy lùi. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, không còn mấy ai “dọn vườn” tiếng Việt hay bàn về giữ gìn bản sắc, phát triển tiếng Việt nữa. Chẳng có hội đồng quốc gia nào về ngôn ngữ được thành lập để chăm lo về tiếng Việt, các tiếng dân tộc thiểu số, cũng như về công việc giảng dạy và sử dụng tiếng nước ngoài trên đất nước ta. Hình như những lo toan về vật chất đã khiến mối quan tâm về ngôn ngữ, văn hóa trở nên xa xỉ.  

Trong tình hình này, việc Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Viện Ngôn ngữ học mới đây phối hợp với Trường Đại học Quảng Bình tổ chức hội thảo khoa học “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường” là một sự kiện rất đáng hoan nghênh. Mong rằng các báo cáo, tham luận tại hội thảo sẽ được phổ biến rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng để góp phần nâng cao nhận thức xã hội, tái khởi động một sự nghiệp quan trọng lâu nay ít được quan tâm.

Không thể để cuộc vận động giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt rơi vào quên lãng.

GS.TS NGUYỄN MINH THUYẾT

Phát hành đặc biệt bộ tem kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Chiều 31/1, tại Hà Nội, Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020)”. Trước đó, Bưu chính Việt Nam đã phát hành 10 bộ tem về Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trao giải Báo chí với phát triển bền vững 2019 và phát động cuộc thi năm 2020

Ngày 10/1/2020, Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED), các đơn vị đồng hành tổ chức lễ trao “Giải Báo chí với phát triển bền vững 2019” và phát động “Giải Báo chí với phát triển bền vững 2020”.

Hà Nội quy hoạch báo chí, giảm 10 tòa soạn báo, tạp chí

Sau sắp xếp, Hà Nội còn 8 cơ quan báo chí, trong đó có 5 báo in, 1 đài truyền hình Hà Nội và 2 tạp chí.

Sách Quốc gia 2019: Bộ sách đồ sộ của cố GS Phan Huy Lê được vinh danh

Bộ sách "Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển" do cố Giáo sư Phan Huy Lê tổng chủ biên cùng "Động vật chí và Thực vật chí VN" đạt giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 2.

Giải thưởng sách Quốc gia: Mục tiêu cao nhất là lan tỏa tới độc giả

"Giải thưởng Sách Quốc gia hướng tới mục tiêu cao nhất là tạo sự lan tỏa ngày càng sâu rộng trong đời sống văn hóa, xã hội", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ.

Hà Tĩnh: Dịch vụ bưu chính công ích phát huy tốt vai trò và lợi thế

Việc giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn Hà Tĩnh đã đi vào ổn định và đang phát huy được vai trò lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí, thời gian cho nhân dân khi thực hiện các thủ hành chính.

Hỏi ông Putin câu hỏi "chưa được duyệt", nữ phóng viên bị nghỉ việc bí ẩn?

Truyền thông Nga đang có suy đoán khác nhau về việc 1 nữ phóng viên đã bị buộc xin thôi việc sau khi đặt câu hỏi bất ngờ cho ông Putin trong cuộc họp báo thường niên ngày 19/12.

Cục Tần số: Sắp đấu giá băng tần 2.6Ghz để nâng cao chất lượng mạng 4G

ICTnews - Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục Trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT đang khẩn trương chuẩn bị đấu giá băng tần 2.6 Ghz để các nhà mạng tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng mạng 4G, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người sử dụng.

Cục trưởng Cục Viễn thông: "Thị trường viễn thông đã bão hòa, khó phát triển thuê bao di động"

ICTnews - Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, thị trường viễn thông đã bão hòa, khó phát triển thuê bao mới. Vì vậy, Cục sẽ cần nghiên cứu phương án tạo động lực cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Các ngôi sao công nghệ thế giới sẽ đến Việt Nam vào tháng 9/2020

Hội nghị và triển lãm Thế giới số 2020 (ITU Digital World 2020) là sự kiện quan trọng của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) do Việt Nam đăng cai sẽ diễn ra từ 06-09/09/2020 tại Hà Nội.

Đang cập nhật dữ liệu !