Cuộc sống bình yên, không cần đến tiền của cô gái Đắk Lắk 'bỏ phố về rừng'
Cuộc sống “tự cung, tự cấp”, nương nhờ thiên nhiên
Tâm An (tên thật là Phạm Thị Thanh Loan), sinh năm 1991 quê Đắk Lắk được biết đến là chủ nhân của loạt video gây “sốt” về cuộc sống yên bình ở vùng cao Tây Bắc.
Cô còn được mệnh danh là “Lý Tử Thất - tiên nữ đồng quê" của Việt Nam. Hình ảnh cô gái 9x sống giữa núi rừng, hàng ngày tự trồng rau, lên nương rẫy, đọc sách, uống cà phê, an yên tận hưởng cuộc sống, khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Tâm An được mệnh danh là “Lý Tử Thất - tiên nữ đồng quê" của Việt Nam nhờ những video, hình ảnh về cuộc sống đẹp như mơ ở vùng cao Tây Bắc |
Trước đây, Tâm An từng là một designer, với mức thu nhập ổn định ở Hà Nội. Cuộc sống bận rộn, với những áp lực vô hình khiến cô gái 9x luôn cảm thấy mệt mỏi, không có thời gian dành cho bản thân. Đúng lúc chán chường, Tâm An bất ngờ nhận được lời đề nghị của một người chị, mời lên làm đầu bếp cho một homestay ở Sa Pa, Lào Cai.
Không mất nhiều thời gian suy nghĩ, cô gái 9x nhận lời ngay: “Bản thân mình là người rất thích cuộc sống gần gũi, hòa mình với thiên nhiên. Ban đầu mình có kế hoạch về Đắc Lăk nhưng sau đó quyết định lên Tây Bắc để có cơ hội trải nghiệm văn hóa vùng cao, nhất là mảnh đất này lại mang đến cho mình sự tò mò rất lớn”, Tâm An kể.
Tâm An hái chanh vàng trên nương |
Hàng ngày cô cũng trồng vườn rau nhỏ quanh nơi mình ở |
Nơi Tâm An ở là một homestay nhỏ nhắn, nằm giữa thung lũng Mường Hoa, bản Ý Linh Hồ (Sa Pa, Lào Cai). Công việc chính hàng ngày của cô là nấu ăn cho khách đến nghỉ dưỡng, chăm chút homestay, thời gian còn lại Tâm An lên nương rẫy, đọc sách, chơi với lũ trẻ trong bản hoặc quay video về cuộc sống của bà con nơi đây.
Mọi sinh hoạt của cô gần như “tự cung, tự cấp” rất ít khi cần đến tiền. Tâm An tự trồng vườn rau nhỏ xinh ngay cạnh homestay với đủ loại từ: cà chua, rau muống, cải, dưa chuột… Cô cũng học cách nhuộm quần áo, tự làm tương đậu, nuôi giấm và chế nước rửa bát, dung dịch xịt muỗi bằng các loại cây, củ quả thiên nhiên trong rừng.
Mùa quả chín, cô vào rừng thu hoạch chanh vàng, đào, mận, bồ quân… rồi về làm bánh, mứt hay các loại nước ép hoa quả cho lũ trẻ trong bản. Cuộc sống mà theo mô tả của Tâm An là “nương nhờ hoàn toàn vào thiên nhiên”.
“Nếu trong nhà luôn có đủ 3 thứ: Dầu ăn, muối, gạo… thì rất ít khi mình phải đi chợ, cần đến tiền. Thỉnh thoảng vào mùa thu hoạch, bà con trong bản lại mang cho gùi sắn, ngô, khoai, bí, đậu…, cần thêm gì thì ra nương rẫy lấy, chỉ sợ ăn không hết, chứ không thiếu bao giờ”, Tâm An cười kể.
Hạnh phúc từ những điều bình dị
Cô gái trẻ 9x tâm sự, trước đây, cô luôn nghĩ hạnh phúc là phải có một công việc ổn định, lương cao sống ở các thành phố lớn.
Thế nhưng, khi trực tiếp trải nghiệm, cô mới thấu hiểu sự mệt mỏi của những áp lực, guồng quay bận rộn mà không có thời gian dành cho bản thân.
Càng sống ở Tây Bắc, Tâm An càng nhận ra mình thuộc về nơi này |
“Ngày nào mình cũng cuốn mình trong công việc 8 tiếng, về nhà lại lo nốt công việc tồn đọng của ngày hôm trước. Tâm trạng lúc nào cũng căng thẳng, với nỗi lo nơm nớp, sợ bản thiết kế này sếp có duyệt hay không, khách hàng có vừa lòng không? Những áp lực này đôi khi, khiến mình cảm thấy chới với, không hiểu mục đích, ý nghĩa cuộc sống của bản thân là gì?
Hiện tại, dù kiếm ít tiền hơn nhưng mình được làm những gì mình thích, có thời gian tận hưởng cuộc sống. Những điều bình dị nhưng trước đây mình chưa từng được trải nghiệm”, Tâm An tâm sự.
Điều khiến Tâm An hạnh phúc nhất là tình cảm mà người dân nơi đây dành cho mình |
Tuy nhiên, Tâm An kể, thời gian đầu “bỏ phố, về rừng” cô cũng phải mất một tháng để làm quen và thích nghi. Cuộc sống thiên nhiên, thiếu thốn trăm bề không đơn giản như những gì cô gái trẻ hình dung.
Nơi cô ở là một bản nhỏ, cách xa trung tâm, đường vào vô cùng khó khăn. Mưa thì lầy lội, trời lạnh thì sương mù giăng trắng xóa như ốc đảo. Có những sáng tỉnh giấc, côn trùng bâu kín đầy cửa sổ, trước sân, phân trâu, bò phủ kín, khiến Tâm An nhiều lần òa khóc vì tủi thân.
Những trái bí đỏ được Tâm An thu hoạch về tự làm bánh |
“Nhớ nhất là những ngày đầu đặt chân đến, trời tháng 11, Tây Bắc mưa lạnh căm căm, sương dày bao phủ khắp nơi. Có lần khoảng 5 giờ chiều, mình nhận được điện thoại báo xe chở củi để đốt lò sắp đến nơi. Tuy nhiên trời mưa, nên đống củi được đổ ngay dưới chân đồi.
6 giờ tối, mưa không ngớt, đường trơn trượt, nhìn củi ngổn ngang, mình tủi thân vô cùng và tự chất vấn bản thân sao lại bỏ công việc văn phòng nhàn hạ ở Hà Nội để lên núi đồi sống làm gì không biết", Tâm An cười nhớ lại.
Tuy nhiên, càng sống ở Tây Bắc, cô gái trẻ càng nhận ra, mình thuộc về nơi này. Không ít lần, Tâm An bật khóc vì xúc động bởi tình cảm chân thành mà người dân nơi đây dành cho mình.
“Bà con ở đây sống tình cảm lắm, có gì ngon, thu hoạch được rau quả gì đều để phần cho mình. Nhiều khi đến bữa ăn, mấy mế, mấy anh, chị lại gọi mời mình xuống ăn cùng. Bữa cơm chẳng phải là cao lương mĩ vị gì, đôi khi chỉ là bát khoai môn luộc giã với muối ớt, bát nộm hoa chuối hay đĩa mướp xào nhừ…
Cả gia đình ngồi quây quần bếp lửa, vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ. Hay có mế sáng nào đi chợ cũng ghé qua, phần mình 2 chiếc bánh nếp… Những điều bình dị nhưng đủ khiến bản thân cảm thấy ấm áp và hạnh phúc vô cùng”, Tâm An kể.
Những điều bình dị ở Tây Bắc khiến Tâm An cảm nhận được hạnh phúc ý nghĩa của cuộc sống |
Hiện tại, ngoài công việc ở homestay, Tâm An dành hầu hết thời gian, dạy lũ trẻ trong bản học chữ, chơi đàn, ca hát… Vào những ngày nghỉ, cuối tuần, cô cũng tự tay vào bếp làm bánh, đồ chơi handmade cho tụi nhỏ.
Tâm An tự tay làm đèn trung thu cho trẻ nhỏ trong bản nơi cô ở |
Cuộc sống với cô gái trẻ tuy không tiện nghi, đầy đủ vật chất như trước nhưng Tâm An bảo mỗi ngày trôi qua, cô đều cảm thấy ý nghĩa và hạnh phúc.
“Mỗi sự lựa chọn luôn có sự đánh đổi, được cái này, phải chấp nhận mất cái kia... Với mình bây giờ thì cơm rau rừng, hít thở không khí ở rừng, mùa hè đến được đắm mình dưới dòng nước mát lành của suối, mùa đông được sưởi ấm bên bếp lửa cùng tụi nhỏ, được ngắm sương giăng khắp núi đồi, mỗi tối, mỗi sáng thức dậy không gian yên tĩnh chỉ tiếng gà gáy, tiếng côn trùng, tiếng giọt gianh rơi… là hạnh phúc mà dù có lương triệu đô cũng không thể đánh đổi”, Tâm An thành thật tâm sự.