Cuộc sống bị tẩy não của các chiến binh nhí IS
Cuộc sống kinh hoàng trong trại đào tạo chiến binh IS vừa được tiết lộ qua lời kể của Nasir, cậu bé 12 tuổi mới may mắn trốn thoát khỏi sào huyệt của tổ chức này. Nasir là cái tên giả mà cậu bé tạm lấy khi tiếp xúc với CNN. Gia đình đã yêu cầu hãng thông tấn không tiết lộ danh tính thật và khuôn mặt của em.
“Chúng cháu có tất cả 60 người. Thời điểm đáng sợ nhất là khi các cuộc không kích xảy ra. Họ dẫn chúng cháu xuống hầm để trốn và nói rằng người Mỹ là những kẻ vô đạo. Người Mỹ đang cố gắng để giết chúng cháu nhưng họ - các chiến binh – yêu chúng cháu và sẽ bảo vệ chúng cháu tốt hơn cả cha mẹ của mình. Họ cũng nói rằng cha mẹ là những người vô đạo và việc đầu tiên chúng cháu phải làm sau khi quay lại là thủ tiêu chính cha mẹ của mình”, Nasir nhớ lại.
Khóc trong im lặng
Hiện tại, Nasir đã đoàn tụ cùng mẹ của mình tại trại tị nạn Esyan ở Kurdistan, nơi đang có gần 15.000 người Yazidis tạm trú để lẩn trốn IS. Mặc dù đã được về với gia đình nhưng ký ức về những ngày tháng kinh hoàng khi bị bắt vẫn in hằn trong tâm trí Nasir.
Theo lời kể của cậu bé, trong trại huấn luyện, học viên bé nhất mới chỉ 5 tuổi nhưng không vì thế mà có bất kỳ sự miễn trừ tập luyện nào cho những đứa trẻ vốn được mệnh danh là “đàn con nhỏ của vương quốc Hồi giáo” này.
Nouri cùng em trai Saman may mắn được trả về với ông bà của mình. |
“Chúng cháu không được phép rơi lệ nhưng khi nghĩ đến mẹ mình và lo lắng cho bà ấy cháu chỉ biết khóc trong im lặng. Khi trốn thoát và ra gặp lại mẹ, cháu có cảm giác như được sống trở lại”, Nasir kể.
Trước cuộc đào tẩu, Nasir từng xuất hiện trong đoạn video tuyên truyền của IS. Video được thực hiện tại Viện Al Farouq, Syria nơi được IS tuyên bố là cơ sở đào tạo những người lính trẻ lớn nhất cho tổ chức này.
Trong đoạn video, những đứa trẻ với khuôn mặt trống rỗng, đang ngồi thành hàng dài bên cạnh người hướng dẫn của mình. Một cậu bé đang run rẩy, một số khác thậm chí còn không thể ngước mắt lên. Tất cả đều phải hô to: “Vì thánh chiến, vì thánh chiến”.
Tiến thoái lưỡng nan
Chiến thuật tàn bạo sử dụng trẻ em làm bia đỡ đạn ở bờ chiến tuyến đang được IS tận dụng triệt để và quả thực đã phát huy tác dụng. Aziz Abdullah Hadur, một chỉ huy quân đội Kurd, cho biết lực lượng của ông nhiều lần bị đặt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi giáp mặt với các chiến binh IS nhí.
"Chúng tôi thấy bọn trẻ ở tiền tuyến. Tất cả chúng đều mặc áo khoác gắn đầy chất nổ. Bọn trẻ dường như đã bị tẩy não”, Hadur nói.
Vị chỉ huy này cho hay đồng đội của ông thường xuyên phải đưa ra quyết định khó khăn khi họ không biết những đứa trẻ tiến về phía mình là vì chúng muốn trốn thoát khỏi IS hay là chúng đang được gửi đến để giết họ.
“Chúng tôi không biết phải làm thế nào bởi nếu không giết chúng, chúng cũng sẽ giết chúng tôi”, Hadur cho hay.
Cần liệu pháp điều trị tâm lý
Cũng giống như Nasir, Nouri, 11 tuổi, may mắn thoát khỏi hang ổ của IS sau thời gian cậu bé cùng gia đình bị bắt cóc đến trại tập trung ở Tel Aafar, phía bắc Iraq. Khi Nouri từ chối tham gia khoá huấn luyện trên núi, cậu bị liệt vào danh sách “những kẻ vô dụng” và bị lính IS bẻ gãy chân làm ba.
Ayman Salih, 12 tuổi, sống ở trại tị nạn Esyan, đã bị IS giam giữ ở Mosul. |
Nouri cùng cậu em trai Saman, 5 tuổi, sau đó vẫn rất may mắn khi được IS trả về với ông bà của mình trong khi bố mẹ cậu cùng đứa em út vẫn bị giam giữ trong trại. Tuy nhiên, việc thường xuyên bị đánh đập ở trại khiến cả hai anh em Nouri đều gặp nhiều trở ngại về tâm lý.
Theo lời kể từ người bà, Saman thường bị co giật và mê sảng về đêm. Khi được bà đánh thức dậy, câu hỏi vô thức đầu tiên của cậu là: “Bà sẽ đánh cháu à?”.
Trong khi đó, Nouri gặp khó khăn trong việc giao tiếp. Cậu bé chỉ nói được những câu ngắn, đứt quãng và phải dừng lại để hít thở. Em cũng có thói quen cúi mặt nhìn xuống đất.
Tương tự như anh em nhà Nouri, một số đứa trẻ trong trại tị nạn Esyan bị giật mình hoặc lên cơn động kinh khi mới chỉ nghe đến từ IS. Một cậu bé khác không cho bất cứ ai cắt tóc của mình vì nó đã được dạy rằng không được làm điều đó.
“Những đứa trẻ này đang cấp thiết cần sự hỗ trợ về tâm lý,” Khalid Nermo Zedo, nhà hoạt động Yazidi khẳng định.
Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.