Cua Cà Mau: Vào rừng nuôi, thu lời 130 triệu mỗi tháng
Mô hình nuôi tôm – cua sinh thái dưới tán rừng với diện tích 9 ha, đạt hiệu quả cao của ông Lê Văn Mạnh, ấp Ông Ngươn, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau cho lời bình quân mỗi tháng trên 130 triệu đồng. Chẳng những thực hiện quy trình nuôi sinh thái, khép kín mà hiện nay ông còn tìm đầu ra cho sản phẩm cua nổi tiếng Năm Căn của địa phương, hứa hẹn sẽ tìm lại thu nhập cao cho người dân.
Để nâng cao giá trị con cua Năm Căn, tạo đầu ra ổn định, đồng thời góp phần phát triển kinh tế địa phương, ông Lê Văn Mạnh đã làm các thủ tục và được chính quyền địa phương chấp thuận cho thành lập Hợp Tác xã Nuôi cua dưới tán rừng Tân Hiệp Phát (HTX), với 16 thành viên, vốn điều lệ ban đầu là 500 triệu đồng.
Đến nay, trụ sở HTX nuôi cua dưới tán rừng đã hoàn thành, chuẩn bị đi vào hoạt động. Trụ sở HTX ằm trên địa phận ấp Xẻo Sao, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn. Ông Mạnh cho biết, HTX đi vào hoạt động, mỗi tháng sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 15 tấn cua thịt thương phẩm, bình quân mỗi ngày khoảng 500kg cua.
Ông Lê Văn Mạnh (ngoài cùng bên phải) người thành lập HTX nuôi cua dưới tán rừng Tân Hiệp Phát ở xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.
Hiện tại, ông Mạnh cũng đã đi khảo sát thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm cua thịt của HTX. “Chổ tiêu thụ mình cũng đã đi tìm, chủ yếu ở Lào Cai và một số doanh nghiệp ngoài Hà Nội, anh em cũng hứa sẽ hỗ trợ HTX của mình. Tôi thấy đà phát triển nuôi cua của HTX như vậy là tốt”, ông Mạnh thông tin.
“Việc thành lập HTX nuôi cua dưới tán rừng Tân Hiệp Phát, nhằm tạo điều kiện nâng giá trị con cua của Năm Căn lên”, Chủ tịch UBND xã Lâm Hải Nguyễn Việt Bắc khẳng định. “Hợp tác xã lựa chọn sản phẩm cua đạt chất lượng, có logo thương hiệu cua Năm Căn, tem in ấn có mã vạch, đi ra thị trường trong nước và các nước lân cận. Nếu cần khách hàng dễ truy xuất nguồn gốc, cua này từ HTX nào”, ông Mạnh cho biết thêm.
“Từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận Nhãn hiệu tập thể Cua Năm Căn – Cà Mau thì giá thành con cua địa phương tương đối cao và ổn định so với trước đây. Chúng tôi cũng vận động các cơ sở tham gia kinh doanh mặt hàng cua này nên sử dụng nhãn hiệu tập thể, được nhiều chủ cơ sở đồng tình, tham gia thực hiện khả quan”, Phó chủ tịch Hội Thủy sản huyện Năm Căn Huỳnh Hùng Anh nói.
Người dân phấn khởi khi cua Năm Căn có thương hiệu, uy tín trên thị trường
Đến nay, trên địa bàn huyện Năm Căn có 42 cơ sở kinh doanh mặt hàng cua có đăng ký thuế, trong đó có 6 cơ sở đã sử dụng nhãn hiệu tập thể Cua Năm Căn – Cà Mau. Hiện tại, có một số cơ sở đã làm đơn đăng ký ngành chuyên môn đang hoàn tất thủ tục cấp giấy, tạo điều kiện tốt cho các hộ kinh doanh mặt hàng chủ lực, đặc trưng của Năm Căn.
“Hướng tới chúng tôi cũng sẽ tham mưu cho UBND huyện và Sở Khoa học Công nghệ để định hướng phát triển con tem cũng như thông tin cá nhân của cơ sở, để khách hàng trên thị trường khỏi nhầm lẫn giữa cua mang nhãn hiệu tập thể và không mang nhãn hiệu tập thể”, ông Huỳnh Hùng Anh cho biết thêm”.
Với sự chung tay vào cuộc tích cực của ngành chức năng và người nông dân, từ quy trình nuôi cua thương phẩm đạt năng suất, chất lượng cao đến việc quản lý, sử dụng và khai thác có hiệu quả nhãn hiệu tập thể Cua Năm Căn – Cà Mau.
Hiện tại, sản phẩm cua Năm Căn-Cà Mau này ngày càng có uy tín hơn trên thị trường trong nước và có thể vươn tầm xa ở một số nước trên thế giới. Khi đó, vị thế con cua Năm Căn-Cà Mau sẽ cùng với con tôm, sớm trở lại thời hoàng kim và trở thành ngành hàng kinh tế chủ lực của huyện Năm Căn.
Nuôi cua cũng là hướng đến xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao theo quan điểm chỉ đạo của Huyện ủy Năm Căn về thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa (X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
Theo Dân Việt