Cứ 3,8 ngày, Trung Quốc lại sản sinh một “kỳ lân công nghệ” tỷ đô
Ảnh minh họa |
Như vậy, năm 2018, Trung Quốc có tất cả 186 “kỳ lân công nghệ” với tổng giá trị hơn 5 nghìn NDT (736 tỷ USD). Theo bảng xếp hạng Hurun Greater China Unicorn Index 2018, Ant Financial Services, công ty điều hành Alipay thuộc tập đoàn Alibaba, dẫn đầu tất cả “kỳ lân công nghệ” Trung Quốc với giá trị khoảng hơn 1 nghìn tỷ NDT. Jinri Toutiao, ứng dụng tổng hợp tin tức của ByteDance, công ty đứng sau hiện tượng Tik Tok, là unicorn lớn thứ hai của nước này khi được định giá 500 tỷ NDT. Didi Chuxing, dịch vụ taxi công nghệ lớn nhất Trung Quốc, đứng thứ ba với giá trị khoảng 300 tỷ NDT.
Jinri Toutiao, ứng dụng livestream Kuaishou và nền tảng bán sản phẩm nông nghiệp trực tuyến Meicai chứng kiến tăng trưởng nhanh nhất, khoảng 4 lần so với các startup khác. Startup xe điện Leap Motor, thành lập tháng 1/2017, là unicorn trẻ nhất gia nhập câu lạc bộ unicorn tinh tú của Trung Quốc với giá trị hơn 7 tỷ NDT.
Ruper Hoogewerf, Chủ tịch kiêm Giám đốc nghiên cứu của Hurun, cho biết năm 2018, số người rớt khỏi bảng xếp hạng tỷ phú cao kỷ lục do kinh tế giảm tốc song cũng có hơn 200 tỷ phú mới xuất hiện. Công ty của họ đều là “kỳ lân công nghệ”.
Phát hiện mới nhất từ Hurun cho thấy startup đã góp phần thay đổi cách người dân Trung Quốc mua sắm, du lịch, đầu tư, ăn uống và giải trí như thế nào trong một thập kỷ qua. Các dịch vụ theo yêu cầu tăng trưởng mạnh.
Trong tổng số 24 unicorn Trung Quốc “lên sàn” năm 2018, một số có giá cổ phiếu thấp hơn giá IPO như Xiaomi, Meituan Dianping, đó là do các nhà đầu tư giảm lòng tin vào unicorn và dấy lên lo ngại các doanh nghiệp này đã được định giá quá mức.
Ngoài ra, Hurun chỉ ra Bắc Kinh, Thượng Hải và Hàng Châu là nơi sản sinh nhiều startup tăng trưởng nhanh nhất, lần lượt là 79, 42 và 18 unicorn.