Công ty mua bán nợ Việt Nam có nguy cơ mất vốn lớn
Công ty mua bán nợ Việt Nam có nguy cơ mất vốn lớn
Bức tranh tài chính ảm đạm tại DATC được “vạch trần” trong báo cáo kiểm toán năm 2011 về niên độ tài chính 2010 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
Quản lý tài chính không tốt dẫn tới nguy cơ mất vốn lớn tại DATC |
Theo đánh giá của KTNN, DATC đã không thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ chính là mua nợ và đầu tư dài hạn tái cấu trúc DN, sử dụng vốn hiệu quả thấp, gửi tiền, cho vay không đúng chức năng nhiêm vụ, thanh khoản kém... dẫn tới nguy cơ mất vốn tại công ty này khá lớn. Cụ thể, hệ số bảo toàn vốn năm 2010 (vốn chủ sở hữu năm 2010/vốn chủ sở hữu năm 2009) của DATC là 1,04% rất thấp so với lạm phát năm 2010(11,75%) ; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đầu tư của chủ sở hữu là 5,48% trong đó tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đầu tư vào công ty con là 5,2%, công ty liên doanh liên kết là 0,06%, đầu tư dài hạn khác là 2,8%.
Đáng chú ý, DATC gửi tiền tại Công ty cho thuê Tài chính II (ALC II) – Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam 110 tỷ đồng; cho vay Công ty Cà phê La Châm 27,39 tỷ đồng, cho vay Công ty CP Xây dựng Công trình 675 là 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến 31/12/2011, các hợp đồng tiền gửi tại ALC II đã quá hạn trên 2 năm nhưng chỉ thu được 12,68 tỷ đồng tiền lãi, nguy cơ mất vốn ước tính trên 70 tỷ đồng.
Nhưng ngay cả nhiệm vụ chính là mua nợ thì DATC cũng chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình. Báo cáo KTNN đánh giá, DATC sử dụng nợ phải thu và tài sản tồn đọng đã mua để góp vốn thành lập Công ty cổ phần Xi măng Bắc Kạn – DATC. Tuy nhiên, DATC không thuê thẩm định giá, không xử lý tài chính đối với các khoản nợ và tài sản tồn đọng đã mua trước khi góp vốn.
Trong khi, thực tế DATC cùng Công ty cổ phần Xây dựng Thái Nguyên và Công ty Khoáng sản và Xây dựng Hà Nội định giá trị nợ và tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần Xây dựng Thái Nguyên do DATC đã mua làm căn cứ để góp vốn 21,8 tỷ đồng, giảm so với giá trị sổ sách là 62,18 tỷ đồng.
Tại thời điểm tháng 3/2011 DATC đã xóa nợ 26,96 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Công trình 134. Khoản xóa này không căn cứ vào báo cáo tài chính năm 2010, không đúng quy định về chức năng hoạt động của DATC.
Nhìn nhận về nguy cơ mất vốn của DATC, ông Lê Minh Khái – Phó tổng KTNN cho rằng, cơ bản DATC đã thực hiện được một số chức năng, vai trò của mình và giúp một số DN tái cơ cấu hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động và sử dụng vốn của DATC đã bộc lộ nhiều bất cập như báo cáo đã nêu.
Về sai sót của DATC, ông Khái khẳng định, KTNN đã kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm quyết liệt các sai phạm tại DATC, để công ty này góp phần trong quá trình tái cơ cấu hệ thống NH, nhất là giải quyết vấn đề nợ xấu sắp tới.
Trước đó, trong một phát biểu gần đây trước báo giới, lãnh đạo DATC ngỏ ý muốn là đơn vị đầu mối duy nhất xử lý khoản nợ xấu đang gia tăng từng ngày trong hệ thống tài chính.
Theo ông Phạm Mạnh Thường - Phó tổng giám đốc DATC, để "xử" số nợ xấu lên tới gần 10% trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay không cần thành lập thêm một công ty mua bán nợ như đề xuất của Ngân hàng Nhà nước mà chỉ cần DATC là đủ. Bù lại, DATC sẽ được nâng cấp nguồn vốn (vốn điều lệ của DATC là 2.000 tỷ đồng) và cơ chế hoạt động liên quan để hoàn thiện bộ máy, giúp DATC hoạt động như một tổ chức xử lý nợ quốc gia.
Tuy nhiên, những thông tin không tốt của KTNN về tình hình quản lý tài chính, quản lý vốn lỏng lẻo tại DATC khiến dư luận nghi ngại, nếu đặt hoàn toàn bài toán xử lý "cục máu đông" của nền kinh tế vào tay DATC liệu có ổn?
Thu Hoài