Công tác thông tin đối ngoại chưa được coi trọng đúng mức
Tại Hội nghị Tập huấn công tác TTĐN và triển khai Nghị định về quản lý hoạt động TTĐN diễn ra sáng nay, 4/11/2015, ở Hà Nội, ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục TTĐN, Bộ TT&TT đã công bố báo cáo Tổng kết 5 năm công tác quản lý Nhà nước về TTĐN tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục TTĐN công bố báo cáo Tổng kết 5 năm công tác quản lý Nhà nước về TTĐN tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: B.M |
Theo đó, công tác TTĐN tại các tỉnh, thành phố từ năm 2010 đã đạt được một số thành tựu, nổi bật là: Các lực lượng tham gia công tác TTĐN được tăng cường, hoạt động ngày càng tích cực hơn; Nội dung thông tin phong phú, đa dạng, phần nào đáp ứng nhu cầu của người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài; Đối tượng, địa bàn hoạt động TTĐN bắt đầu được mở rộng; Thông tin chính thống từ Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài dần được chú ý hơn.
Tuy nhiên, công tác TTĐN còn nhiều khó khăn. Điển hình là: Nhận thức về vai trò của TTĐN còn hạn chế; Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực TTĐN chưa được chú trọng; Chưa có bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ chuyên trách quản lý công tác TTĐN; Kinh phí cho các hoạt động TTĐN còn hạn chế, phân tán; Nội dung thông tin còn dàn trải, trùng lặp, đơn điệu, thiếu chiều sâu, thiếu sức thuyết phục và chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin đa dạng của các nhóm đối tượng ở địa bàn trong và ngoài nước; Các sản phẩm TTĐN, đặc biệt bằng tiếng nước ngoài, chưa được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng, chưa đến được với đông đảo các nhóm đối tượng.
Đặc biệt, nhận thức về công tác TTĐN chưa được coi trọng đúng mức. “Nhận thức về vị trí, vai trò của công tác TTĐN từ Trung ương đến địa phương giai đoạn 2011 – 2015 đã được nâng lên một bước, tuy nhiên, nhận thức chung về công tác TTĐN chưa đồng đều giữa Trung ương với địa phương, giữa địa phương với địa phương nên công tác TTĐN trong cả nước chưa đều tay. Vì vậy, có thực tế trong 5 năm qua đã xuất hiện một số mô hình làm tốt công tác TTĐN, nhưng bên cạnh đó, vẫn còn 1 số địa phương lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hoạt động TTĐN”, ông Lê Văn Nghiêm cho biết.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: B.M |
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động TTĐN trong thời gian tới, Cục TTĐN đã đề xuất một số giải pháp như: Cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo, quản lý Nhà nước về TTĐN; Nâng cao nhận thức về TTĐN, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ TTĐN cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ chuyên trách công tác TTĐN; Tăng cường kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác TTĐN; Tăng cường, kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác TTĐN ở các tỉnh, thành phố căn cứ trên các tiêu chuẩn chức danh.
Thực hiện cơ chế thông tin 2 chiều giữa Bộ TT&TT với UBND các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường nắm bắt tình hình, nâng cao chất lượng công tác dự báo trong công tác đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội; Đổi mới hoạt động TTĐN bằng nhiều phương thức như xây dựng thương hiệu địa phương quảng bá hình ảnh tỉnh, thành phố, xây dựng cơ sở dữ liệu về TTĐN quảng bá hình ảnh địa phương, tổ chức sự kiện TTĐN trong nước và nước ngoài..
Cục TTĐN cũng đã công bố chương trình công tác giai đoạn 2015 – 2020. Trong đó nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tập trung chuyển biến nhận thức về vai trò, vị trí của công tác TTĐN từ Trung ương đến địa phương, để mỗi lãnh đạo, mỗi cán bộ làm công tác TTĐN hiểu và xác định nhiệm vụ của mình trong giai đoạn tới; Hoàn thiện tổ chức, cơ chế chỉ đạo, phối hợp hoạt động TTĐN; Kiện toàn bộ phận chuyên trách làm công tác TTĐN tại các tỉnh, thành phố; Hướng dẫn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ở địa phương, giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...