"Con vua thì lại làm vua", nhưng con sếp ngân hàng mấy ai còn nối nghiệp?
"Con vua thì lại làm vua", hay "cha truyền con nối"…trong lĩnh vực kinh doanh tưởng chỉ xuất hiện nhiều ở các nước trên thế giới, nhất là Hàn Quốc hay Trung Quốc, nhưng ở Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Trong số các doanh nghiệp đang kinh doanh nổi đình nổi đám hiện nay, không khó để nhìn thấy những hình ảnh thế hệ thứ hai kế nghiệp cha mẹ. Chẳng hạn ở Quốc Cường Gia Lai, cả bà Nguyễn Thị Như Loan và con trai là Nguyễn Quốc Cường đều đang điều hành doanh nghiệp; ở Hoàn Cầu sinh thời bà Tư Hường và các con cũng tham gia quản lý điều hành; cha con ông Trần Quý Thanh điều hành Tân Hiệp Phát; cha con ông Đặng Văn Thành ở Thành Thành Công; cha con ông Đỗ Quang Hiển ở T&T…
Riêng lĩnh vực ngân hàng, trước đây cũng có vài gia đình có con cái kế nghiệp, tuy nhiên vài năm trở lại đây không thấy xuất hiện thêm các gương mặt mới và con số nối nghiệp thậm chí còn giảm đi bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Một trong những gia đình vẫn còn duy trì kế nghiệp là ở SeABank. Bà Nguyễn Thị Nga trước đây là chủ tịch ngân hàng còn con gái Lê Thu Thủy làm Phó Tổng giám đốc. Đầu năm 2018, bà Nga xuống làm phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị còn con gái bà lên làm Tổng giám đốc. Bà Nga gia nhập SeABank mới hơn chục năm, sau khi rời Techcombank, nhưng trên thị trường mọi người vẫn hay mặc định SeABank có cổ phần lớn là của "madam" này. Còn con gái bà Nga sau khi hoàn thiện các khóa học về tài chính, quản trị kinh doanh ở nước ngoài, đã về hỗ trợ cho mẹ ở SeABank từ năm 2013.
Tại ngân hàng ACB, ngân hàng có hơi hướng của "gia đình trị" thì cả ông Trần Mộng Hùng, bà Đặng Thu Thủy và con trai Trần Hùng Huy cùng có thời gian dài tham gia quản trị ngân hàng. Trước đây ông Hùng đã có một thời gian lùi về phía sau nhưng biến cố năm 2012 với nhiều lãnh đạo ACB bị bắt đã thôi thúc ông trở lại. Sau 6 năm đương đầu khó khăn và giải quyết xong những tồn đọng cũ, đến đầu năm 2018 vừa qua vợ chồng ông Hùng chính thức rút khỏi Hội đồng quản trị, để lại con trai vẫn ở vị trí cao nhất của ngân hàng. Mặc dù không còn tham gia điều hành, quản trị trực tiếp nhưng vợ chồng ông Hùng và những người con khác đều vẫn nắm lượng lớn cổ phiếu ACB.
Tại ngân hàng Kiên Long, ông chủ tịch Võ Quốc Thắng đã rời ngân hàng vào giữa năm nay theo quy định mới của Luật tổ chức tín dụng. Mặc dù gắn bó với nhà băng này, được xem là "kẻ ngoại đạo" vừa vào Kienlongbank năm 2013, nhưng ông Thắng cũng đã tạo được dấu ấn nhất định ở ngân hàng. Đến nay, con ông Thắng là Võ Quốc Lợi vẫn đang nối nghiệp cha tại ngân hàng.
Ngoài ra tại Ngân hàng Nam Á, trước đây bà Tư Hường còn sống làm cố vấn cho Hội đồng quản trị, còn các con của bà tham gia quản trị điều hành trực tiếp. Đến nay ngân hàng do gia đình giữ lượng lớn cổ phần này vẫn được điều hành bởi hai người con của bà đó là Nguyễn Quốc Toàn và Nguyễn Quốc Mỹ.
Và đó cũng là những cái tên còn sót lại liên quan đến nối nghiệp gia đình trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay.
Trước đây có thêm trường hợp của gia đình ông Trầm Bê. Thuở ông Bê chưa bị bắt thì cả ông và các con đều cùng tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng Phương Nam, sau là Sacombank. Nhưng sau biến cố 2015, các con ông cũng không còn ai giữ vị trí lãnh đạo cấp cao ở ngân hàng.
Còn lại những lãnh đạo ngân hàng khác, các con của họ đều không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng như cha mẹ mà mỗi người có một con đường đi khác nhau. Họ, có người nắm giữ rất nhiều cổ phiếu của ngân hàng nơi cha mẹ làm "sếp" lớn (ví dụ như con ông Nguyễn Đức Hưởng, con ông Đặng Khắc Vỹ), có người lại chẳng có tài sản danh chính ngôn thuận nào trong tay. Nhưng có một điểm chung, là thế hệ thứ hai của nhiều sếp ngân hàng Việt đang chọn nước ngoài làm nơi sinh sống, làm việc hoặc học tập.
Ngọc Toàn/Trí thức trẻ