Con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng từng bị chính PVFI “kể tội”
Từ PVFI…
Ông Vũ Quang Hải ngồi ghế Giám đốc PVFI trong 2 năm 2011 và 2012. Sau hai năm, “di sản” để lại cho người kế nhiệm là khoản lỗ trên 220 tỷ đồng. Ngay tại Đại hội cổ đông năm 2012 của PVFI, khi đánh giá về công tác điều hành của Ban Giám đốc trong năm 2011, Ban Kiểm soát PVFI đã thẳng thắn chỉ rõ thực tế điều hành của ban BGĐ công ty còn tồn tại một số các vấn đề do cả yếu tố khách quan và chủ quan dẫn đến các hậu quả như:
Chưa xử lý dứt điểm các khoản hợp tác đầu tư kinh doanh chứng khoán với Công ty chứng khoán SME (PVFI đã phải trích lập 156 tỷ đồng đối với dư nợ gốc của các hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết và uỷ thác quản lý vốn); Chưa giải quyết xong tồn tại trong hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết với CTCP Chứng khoán Phố Wall (nợ gốc 72,82 tỷ đồng); Chưa thực hiện chuyển nhượng dứt điểm khách sạn Sao Phương Bắc cho Tổng Công ty Đạm Phú Mỹ; Nhiều khoản đầu tư dàn trải, phân tích đánh giá chưa sâu sát, tiềm ẩn nhiều rủi ro; Chưa xử lý dứt điểm các vấn đề có liên quan đến hoạt động repo bất động sản; Chưa có cơ chế kiểm soát với hoạt động kinh doanh thương mại, chưa có biện pháp phối hợp với PVFC trong việc xử lý các tồn tại liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại đối với hàng hóa là phôi thép và thép cán.
Báo cáo của Ban Kiểm soát PVFI chỉ rõ: Những hạn chế trên sẽ dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh năm 2012 và những năm tiếp theo của công ty.
Thẩm định báo cáo tài chính của công ty năm 2011 đã được kiểm toán bởi Công ty Kiểm toán Deloitte, tài sản ngắn hạn giảm 41% so với năm 2010, còn 1.131 tỷ đồng. Tài sản dài hạn giảm 33%, còn 193 tỷ đồng. Tổng tài sản giảm 45%, còn 1.324 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế âm 155,359 tỷ đồng, giảm 73%.
"Bút tích" của ông Vũ Quang Hải tại báo cáo kết quả SXKD năm 2011 và kế hoạch kinh doanh năm 2012 của PVFI. |
Dường như ý thức được khó khăn còn tồn tại nên kế hoạch năm 2012 được BLĐ PVFI trình ĐHCĐ hết sức khiêm tốn: Doanh thu 233 tỷ đồng, bằng 61% năm 2011; lợi nhuận trước trích lập dự phòng 2 tỷ đồng, bằng 4% so với năm 2011; Tỷ lệ cổ tức là 0%.
Tuy nhiên, mục tiêu trên của PVFI cũng không đạt khi PVFI dưới sự điều hành của Vũ Quang Hải tiếp tục thua lỗ 67 tỷ đồng trong năm 2012, qua 2 năm liên tiếp 2011 và 2012, PVFI lỗ trên 220 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ là 300 tỷ đồng.Đáng chú ý, PVFI là doanh nghiệp thành lập năm 2007, từ năm 2008 đến năm 2010 đều kinh doanh có lãi.
Trước đó, PVFI từng nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu trên sàn GDCK Hà Nội, vào năm 2010. Tuy nhiên, công ty đã phải xin rút hồ sơ đăng ký niêm yết vào cuối năm 2010 do nhận thấy điều kiện thị trường không thuận lợi. Từ đó đến nay, các nhà đầu tư vẫn khắc khoải chờ ngày… thoái vốn thành công.
… đến Sabeco
3 năm sau khi rời PVFI, ông Vũ Quang Hải được điều động về Sabeco năm 2015 khi mới 29 tuổi với vai trò Phó TGĐ kiêm thành viên HĐQT. Tại đây, “thần đồng” CEO này được đối xử như một ông hoàng, điều này thể hiện qua tờ trình kế hoạch tiền lương, thu lao năm 2016 của Sabeco tại ĐHCĐ năm 2016. Theo đó, Sabeco dự chi 9,99 tỷ đồng lương cho 10 người quản lý, bình quân mỗi người nhận 999 triệu đồng tiền lương năm 2016.
Tại Sabeco, ông Vũ Quang Hải là thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc. Với các vị trí trên, ông Hải nhận khoản lương và thù lao khoảng 1,19 tỷ đồng trong năm 2016. Theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Sabeco công bố ngày 26/01/2016: “Tổng số tiền trả cho từng thành viên HĐQT bao gồm thù lao, chi phí, hoa hồng, quyền mua cổ phần, và các lợi ích được hưởng từ Sabeco, công ty con, công ty liên kết của Sabeco, và các công ty khác mà thành viên của HĐQT là đại diện phần vốn góp phải được công bố chi tiết trong báo cáo thường niên của Sabeco.”
Ngoài ra, thành viên HĐQT nắm giữ vị trí điều hành còn được trả thêm thù lao dưới dạng một khoản tiền công trọn gói theo từng lần, lương, hoa hồng, phần trăm lợi nhuận, hoặc dưới hình thức khác theo quyết định của HĐQT.
Một thông tin đáng chú ý là ngày 24/11/2015, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 1366/QĐ – KH công bố Kế hoạch thanh tra năm 2016 đối với hàng loạt các Dự án đầu tư xây dựng trên toàn quốc. Nội dung Kế hoạch cũng đã được Tổng thanh tra Chính phủ phê duyệt công khai chuyển đến các cơ quan, đơn vị là đối tượng bị thanh tra. 4 Dự án xây dựng của Sabeco (Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài gòn) thuộc diện cần thanh tra ngay trong Kế hoạch.
Tuy nhiên, ngày 31/12/2015, đích thân ông Vũ Huy Hoàng (khi đó là Bộ trưởng Bộ Công Thương) ký Công văn số 13712/BCT–KH gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng xin: “chưa thực hiện kế hoạch thanh tra trong năm 2016 đối với các dự án của Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài gòn…”. Một lý do trong văn bản của ông Hoàng đưa ra là: “…Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài gòn phải tập trung thời gian và nhân lực triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng… ”.
Tại thời điểm 26/01/2016, Sabeco có vốn điều lệ 6.412 tỷ đồng. Tại HĐCĐ năm 2016, HĐQT của Sabeco trình đại hội xem xét thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2016 với: 28.503 tỷ đồng doanh thu, 3.436 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cổ tức 25%. Chỉ tiêu lợi nhuận và cổ tức này lần lượt giảm 5% và 17% so với thực hiện năm 2015.