"Con số nợ xấu còn nghiêm trọng hơn nhiều những gì ta công bố" ?
ĐBQH Nguyễn Văn Hiến nêu quan điểm tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 30/5 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012, những tháng đầu năm 2013.
Theo ĐBQH Trương Văn Vở, việc cần làm ngay là tháo gỡ nút thắt ngân hàng thừa thanh khoản, quyết liệt trả nợ đọng cơ bản, kịp thời thực hiện gói hỗ trợ cho vạy mua nhà ở xã hội. Ông Vở cũng đề nghị cần phân định rõ cơ chế trách nhiệm cá nhân các ngành từ trung ương đến cơ sở để thực hiện 3 đột phá chiến lược trong năm 2013, không để lợi ích nhóm chi phối. Đồng thời cần tạo chuyển biến mới trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
ĐBQH Nguyễn Văn Hiến cho rằng những con số cứ như được cài đặt. Ảnh TN |
Đánh giá cao một số kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tuy nhiên ĐBQH Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải phòng) cho rằng trong thời gian tới nền kinh tế trong nước vẫn diễn biến theo chiều hướng khó khăn. Theo ông DN giải thể, phá sản, đối mặt với nhiều khó khăn không hẳn do vãi suất cao. Thực tế thời gian qua lãi suất đã giảm 7%, NH còn chủ động giảm lãi, cạnh tranh nhau để tìm kiếm khách hàng. Cho rằng tín dụng đã bão hòa, DN không dám vay, ông Vinh đề nghị sớm xử lý vấn đề nợ xấu, nợ công cho hiệu quả.
ĐB Nguyễn Văn Hiến (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thì đề cập đến nhiều ý kiến băn khoăn về độ chính xác trong báo cáo của Chính phủ tại các phiên thảo luận tại tổ.
Có ý kiến phản ánh sự hoài nghi tính xác thực trong đánh giá về thị trường tài chính tiền tệ. Báo cáo cung cấp cho đại biểu không sát với tình hình thực tế, không có tính thuyết phục.
Ông Hiến đưa ra ví dụ, từ nhiều năm nay số liệu GDP của địa phương luôn cao hơn gấp rưỡi, hoặc gấp đôi GDP quốc gia. Mấy năm gần đây vấn đề sinh tử của nền kinh tế quốc gia là giải quyết cục máu đông nợ xấu, hàng tồn kho BĐS, nhưng mức độ tin cậy của các số liệu này rất thấp.
Theo ĐB, cuối năm 2012 thống đốc NHNN cho rằng nợ xấu khoảng 10%, trong khi thanh tra NHNN cho rằng nợ xấu 8,6%, trong báo cáo tại kỳ họp này là 7,8%, cùng thời gian đó Ủy ban giám sát tài chính lại đưa ra con số 11,8%. Đến tháng 3/2013 NHNN thông báo nợ xấu còn 6%.
Cách đây vài ngày NHNN quyết định áp dụng lùi thời gian thực hiện thông tư 02 nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Theo lời thống đốc NHNN thì, áp dụng thông tư 02 là để nhận diện đúng hơn về con số thực bản chất nợ xấu. Nhưng vấn đề ở đây là nợ xấu của một NH có thể từ 3 – 4% có thể sẽ tăng lên 10%, 15% hoặc cao hơn nữa.
“Như vậy con số nợ xấu còn nghiêm trọng hơn nhiều những gì ta công bố”. Ông Hiến cũng đưa ra nhận định cho đến giờ chúng ta thực sự không biết tồn kho BĐS bao nhiêu. Các số liệu nghiên cứu công bố rất khác nhau: 200 nghìn căn, hay 40 nghìn căn?
Tại sao mỗi năm hơn 50 nghìn DN phá sản, ngừng hoạt động, số DN còn lại phải giảm quy mô hoạt động ít nhất 30%, vốn đầu tư toàn xã hội càng ngày càng giảm thế mà tạo việc làm mới cứ đều đặn hàng năm từ 1,5 – 1,6 triệu người? Tỷ lệ thất nghiệp hàng năm cũng giảm: năm 2010 là 2,8%, sang năm 2011 là 2,22%, 2012 còn 1,99%.
ĐB Hiến bình luận “những con số cứ như được cài đặt vậy”. Rồi đặt câu hỏi: có tin được không khi các địa phương giải quyết khiếu nại là 85,61%, giải quyết tố cáo đạt 89%, trong khi trên 77% khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực đất đai? Có nên phấn khởi khi theo thống kê có 6,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam? Điện lực, xăng dầu lúc nào cũng bảo lỗ, ai biết thực hư thế nào?...
“Nhiều ĐBQH băn khoăn về số liệu thống kê là có cơ sở. Không có số liệu đúng và đủ thì không thể đưa ra giải pháp, cũng không thể đưa ra quyết sách chủ trương giải pháp đúng được. Quốc hội phải biết, người dân phải biết chuyện gì đang thực sự xảy ra với đất nước mình” – ông Hiến nói.