Còn lúng túng khi thực hiện mục tiêu TT&TT trong hai chương trình MTQG
Sáng 23/11, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị Sơ kết, đánh giá giữa kỳ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực TT&TT giai đoạn 2016 – 2020.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng lưu ý hiện trạng một số địa phương còn lúng túng trong phối hợp đề xuất kế hoạch và tổ chức quản lý, thực hiện mục tiêu TT&TT trong 2 chương trình Mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết: Trong 3 năm qua, Bộ TT&TT đã tổ chức triển khai nhiều nội dung về TT&TT trong hai Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.
Đến nay, ngành TT&TT đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, so với mục tiêu đã được Thủ tướng phê duyệt thì vẫn còn khoảng cách khá xa, việc triển khai ở các địa phương chưa đồng đều, một số địa phương còn lúng túng trong phối hợp đề xuất kế hoạch và tổ chức quản lý, thực hiện tại địa phương.
Toàn cảnh hội nghị. |
Đánh giá về kết quả đạt được trong lĩnh vực TT&TT, ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo nhấn mạnh: “TT&TT là thành phần quan trọng giúp giảm nghèo bền vững. Đến giờ, người nghèo nắm về chính sách giảm nghèo rất kỹ, rất chặt vì chúng ta đã làm tốt công tác truyền thông. Hầu hết các chính sách đều đã đến với người dân”.
“Bộ TT&TT là 1 trong những Bộ thực hiện nghiêm các cuộc đánh giá quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan đến lĩnh vực TT&TT. Những kết quả đạt được trong lĩnh vực TT&TT đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nghị quyết của Quốc hội đề ra mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020 bình quân tỷ lệ nghèo giảm 1 – 1,5%/năm, song thực tế vừa rồi đã đạt 1,53%”, ông Ngô Trường Thi nhận định.
Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cũng thẳng thắn chỉ ra một số bất cập trong quá trình triển khai các mục tiêu về TT&TT trong hai chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên. Đó là sự lúng túng trong phối hợp ở các địa phương, nhất là giữa sở TT&TT với sở LĐTBXH; Cơ chế hướng dẫn của Trung ương không kịp thời; Hoạt động truyền thông về giảm nghèo chưa được đẩy mạnh thường xuyên, chưa tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân…
Ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo. |
“Chúng ta đang thực hiện đo lường nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, ngoài thu nhập còn có 5 chiều và 10 chỉ số (trong đó có 1 chiều về thông tin và 2 chỉ số để đo). Qua 2 năm đánh giá thì thấy vấn đề thiếu hụt thông tin đã được cải thiện nhiều, giờ không còn là vấn đề cản trở lớn, mà vấn đề ở đây là chất lượng thông tin.
Năm 2019 sẽ đánh giá lại chuẩn nghèo để điều chỉnh cho phù hợp, trong đó có đánh giá lại các chiều, chỉ số. Cũng trong năm 2019 sẽ đề xuất định hướng thiết kế chương trình giảm nghèo sau giai đoạn 2020. Chúng tôi rất cần ý kiến chuyên môn ngành TT&TT để đo nghèo chính xác và thiết kế chương trình giảm nghèo hiệu quả”, ông Ngô Trường Thi cho biết thêm.
Phân tích sâu về những khó khăn trong quá trình triển khai các mục tiêu liên quan đến lĩnh vực TT&TT, ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ TT&TT, đặc biệt nhấn mạnh bất cập về công tác báo cáo, thống kê số liệu: “Khó khăn lớn nhất gặp phải hiện nay là công tác báo cáo. Bộ TT&TT đã có Thông tư 06 hướng dẫn công tác thống kê, báo cáo nhưng các Bộ, ngành, địa phương vẫn báo cáo không đầy đủ. Đến nay mới có 52 địa phương gửi báo cáo”.
Liên quan đến câu chuyện này, ông Ngô Trường Thi cho biết thêm: “Nhiều khi họp Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng hỏi tiến độ giải ngân đến đâu thì chúng tôi cũng không trả lời được vì thiếu báo cáo. Đây là bệnh trầm kha không chỉ riêng ngành TT&TT mà tồn tại trong rất nhiều lĩnh vực”.
Được biết, Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 đã có Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin (Dự án 4) gồm 2 hoạt động liên quan đến lĩnh vực TT&TT.
Một là Truyền thông về giảm nghèo, với những mục tiêu cụ thể gồm: 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, bản được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; Xây dựng các chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo; Phát triển hoạt động trang TTĐT của các cơ quan làm công tác giảm nghèo.
Hai là Giảm nghèo về thông tin, với các mục tiêu cụ thể: 100% cán bộ cấp xã làm công tác TT&TT được tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin truyên truyền cổ động, chủ yếu là cán bộ thông tin cơ sở, đài truyền thanh (dự kiến đào tạo 10.000 cán bộ truyền thanh xã); 50% xã nghèo có điểm thông tin tuyên truyền cổ động ngoài trời; khoảng 100 huyện và 600 xã được trang bị phương tiện tác nghiệp truyền thông cổ động; thiết lập ít nhất 20 cụm thông tin cơ sở tại khu vực cửa khẩu, biên giới, trung tâm giao thương.
Còn Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 cũng đã đặt ra một số chỉ tiêu về TT&TT như: Thiết lập mới trên 2.000 đài truyền thanh cấp xã; Nâng cấp trên 3.200 đài truyền thanh cấp xã; Nâng cấp trên 300 đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và trạm phát lại phát thanh truyền hình; Thiết lập mới trên 4.500 trạm truyền thanh thôn, bản xã khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo xa trung tâm xã; Đến năm 2020 có 95% số xã đạt chuẩn các nội dung khác của tiêu chí số 8 về TT&TT.