Còn 28.500 trường hợp kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách
Bộ trưởng Bộ LĐTB & XH Đào Ngọc Dung |
Hồ sơ kê khai là người có công nhưng không có giấy tờ, căn cứ chứng minh
Trả lời câu hỏi của ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) về chính sách với người có công ở nước ta hiện nay được nhất là gì, bất cập nhất là gì? Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Công tác rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Kết quả tổng rà soát cho thấy, trong số 2.070.842 đối tượng được rà soát thì số đã hưởng đầy đủ chế độ là 1.982.769 trường hợp (chiếm 95,75%); số kê khai hưởng chưa đầy đủ là 86.201 trường hợp (chiếm 4,16%) và số phát hiện hưởng sai chính sách là 1.872 trường hợp (chiếm 0,09%).
Kết quả Tổng rà soát còn cho thấy, hiện vẫn còn khoảng 28.500 trường hợp tự kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách (trong đó: xác nhận liệt sĩ 2.020 trường hợp; Bà mẹ Việt Nam anh hùng 1.496 trường hợp; xác nhận thương binh 7.871 trường hợp; xác nhận bệnh binh 855 trường hợp; xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 16.295 trường hợp). Tuy nhiên các trường hợp kê khai là tồn đọng nêu trên chủ yếu là do không có căn cứ, giấy tờ, tài liệu để thiết lập hồ sơ; nhiều trường hợp đã lập hồ sơ nhưng không đủ điều kiện giải quyết (bị chết, bị thương không thuộc các trường hợp xác nhận liệt sĩ, thương binh theo quy định) và có những trường hợp đã được giám định nhưng không có thương tích thực thể hoặc có thương tích nhẹ, không đủ tỷ lệ để xác nhận là thương binh (21% trở lên)…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu ra, khó khăn lớn nhất hiện nay là đối tượng lập hồ sơ kê khai là người có công nhưng không có giấy tờ, căn cứ chứng minh, đặc biệt là hồ sơ liệt sĩ, thương binh, người bị địch bắt tù, đày. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định công tác giải quyết tồn đọng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, cần ưu tiên tập trung thực hiện với quan điểm là khẩn trương thực hiện nhưng phải đảm bảo chặt chẽ ở mức độ nhất định, cơ chế phải mở, phải thông thoáng nhưng xác định mở đến mức nào, thông thoáng đến mức nào để đảm bảo xác nhận đúng đối tượng, hạn chế được hồ sơ giả là nhiệm vụ hết sức khó khăn của cơ quan ban hành và tổ chức thực hiện chính sách.
Đối với những trường hợp hưởng chưa đầy đủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo báo cáo của các địa phương, đã xem xét giải quyết đối với 86.201 trường hợp, trong đó 68.290 trường hợp đã giải quyết bổ sung chế độ; 159 trường hợp sau khi kiểm tra, kết luận hưởng đúng; 7.477 trường hợp đang xem xét giải quyết, chưa có kết luận; 1.091 trường hợp không đủ điều kiện để hưởng thêm chế độ theo đề nghị của đối tượng và 9.184 trường hợp đề xuất về nhà ở. Nguyên nhân các trường hợp kê khai hưởng chưa đầy đủ chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ yếu là do một số địa phương chưa kịp thời triển khai thực hiện một số chính sách đã được quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ.
Đối với những trường hợp hưởng sai chế độ, chính sách, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra rà soát lại từng trường hợp để có phương án giải quyết hợp lý, hợp tình, tạo sự đồng thuận của người có công và nhân dân. Theo báo cáo của các địa phương, đối với 1.872 trường hợp hưởng sai chế độ. Sau khi xác minh, đã có kết luận 325 hưởng đúng; 850 trường hợp có quyết định điều chỉnh, dừng trợ cấp; 695 trường hợp đang phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh để kết luận và 2 trường hợp trùng đối tượng. Những trường hợp hưởng sai chủ yếu tập trung vào chênh lệch tỷ lệ thương tật; phản ánh hưởng trợ cấp không đúng hoặc diện đã hết tuổi hưởng trợ cấp tiền tuất liệt sĩ hoặc tuất thương binh, bệnh binh.