Cơm mặn 2.000 đồng, cơm chay 1.000, nấu ngon như cơm nhà trao tay người khó khăn
Mỗi suất cơm mặn giá 2.000 đồng, cơm chay 1.000 đồng – số tiền chưa bằng một cốc trà đá, nhưng lại mang niềm vui cho hàng trăm người nhận mỗi ngày.
Anh Nguyễn Cao Sơn (38 tuổi), người phụ trách quán cơm "Yên Vui" ở Hà Nội chia sẻ, từ khi biết và tìm hiểu về quán cơm yên vui ở TP.HCM, anh luôn tâm niệm sẽ mở một quán như vậy ở Hà Nội để hỗ trợ người nghèo.
Tháng 10/2020, trong một chuyến công tác tại TP.HCM, anh đã làm việc với quỹ từ thiện Bông Sen bàn về việc mở quán. Hai tháng sau, quán cơm Yên Vui đầu tiênở Hà Nội được 'khai trương' tại phố Trần Quý Cáp, quận Đống Đa.
Quán được đăng ký hoạt động với mô hình hộ kinh doanh, ra đời với phương châm: Ngoài suất ăn lúc cần thiết còn mang sự yên vui tới mọi người, giúp người lao động, người nghèo có được bữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng, ngon như cơm nhà nấu, vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm.
Suất ăn được quán đưa tới tận tay người khó khăn. |
Một suất ăn đầy đủ dinh dưỡng cùng với tình yêu thương được bán với giá 2.000 đồng.
Chuỗi quán cơm Yên Vui hiện đã có tới 13 cơ sở. Ở Hà Nội hiện có 2 cơ sở gồm 1 quán ở quận Đống Đa và 1 quán ở cạnh Bệnh viện K Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội).
Khi chưa có dịch, quán được mở cửa, bà con đến quán ăn uống ngon miệng, vui vẻ, trả tiền 2.000 đồng 1 suất cơm mặn, 1.000 đồng 1 suất cơm chay. Theo anh Sơn, việc quán nhận 1.000 – 2.000 đồng/suất cơm giúp khách hàng cảm thấy bớt tổn thương so với việc nhận cơm miễn phí.
Đều đặn 4 – 5 ngày/tuần, "ông chủ quán cơm" và các tình nguyện viên vẫn nấu hàng trăm suất ăn mang tới bệnh viện phát cho bệnh nhân và người nhà.
Từ khi có dịch bệnh, quán chuyển sang mô hình bán lưu động, đưa cơm đến các địa điểm bệnh viện đã được khảo sát kỹ.
Ví dụ, trước khi Hà Nội giãn cách thì sáng thứ 2, thứ 4, thứ 6 các tình nguyện viên của quán sẽ mang cơm tới ngã tư Tràng Thi – Phủ Doãn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để phát cho các bệnh nhân của BV Việt Đức và Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hoặc địa điểm khác là 48 Hai Bà Trưng cạnh BV Việt Nam – Cu Ba.
Những ngày qua, khi Hà Nội thực hiện giãn cách để phòng dịch, quán còn phát cơm cho cả khu vực cách ly ở Kiến Hưng (Hà Đông) và một số chốt kiểm dịch. Mỗi ngày quán nấu từ 180 tới 270 suất ăn, tuỳ theo khảo sát từ ngày hôm trước.
Phát suất ăn tại khu cách ly ở quận Hà Đông, Hà Nội. |
Người dân nhận cơm từ tình nguyện viên quán cơm Yên Vui. |
Thứ 3, thứ 5, thứ 7, quán sẽ đưa cơm tới BV K cơ sở 3 tại Tân Triều, Hà Nội. Mỗi suất ăn gồm cơm trắng, món canh, rau và món mặn được cho vào hộp đảm bảo ngon, sạch sẽ, nóng hổi. Thời gian phát cơm từ 10h45 tới 11h hàng ngày.
Để hỗ trợ người gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay, quán không thu tiền, người nào cần sẽ tự đến thùng cơm, có thể lấy 1 – 2 suất. Tình nguyện viên đứng từ xa, đảm bảo giãn cách an toàn.
Suất ăn vô cùng ý nghĩa với những người gặp khó khăn trong mùa dịch. |
Bệnh nhân ung thư nhận suất ăn tại BV K Tân Triều. |
Theo lời giới thiệu của ông chủ 8X, đầu bếp của quán cơm Yên Vui tại Hà Nội là nhân viên của 1 khách sạn 5 sao tại Hà Nội. Hàng ngày, 5h sáng là đầu bếp sẽ tới quán chuẩn bị nấu nướng, chia suất .
Các tình nguyện viên của quán ai cũng có công việc riêng, phải lo cho gia đình, nhưng vì niềm vui ở quán cơm nên mọi người đều gắng tranh thủ cùng nhau hỗ trợ quán hoạt động, để lan toàn niềm vui tới nhiều người khó khăn.
Anh Nguyễn Cao Sơn chia sẻ: "Ai trong đời cũng có lúc khó khăn, nếu bạn khó thực sự, đừng ngại khi nhận suất ăn miễn phí hay mua nó với giá 1000 – 2000 đồng".
Trong đợt giãn cách này, do quy định hạn chế đi lại cả tình nguyện viên và người nhận cơm đều gặp khó khăn. Bên cạnh đó, giá thực phẩm cũng tăng nhẹ. Song anh Sơn vẫn cố gắng để duy trì quán hoạt động một cách tốt nhất.
Chủ quán cơm Yên Vui chia sẻ thêm, anh không mong bà con phải nhận cơm mãi mà mong muốn làm được nhiều việc hơn, như hỗ trợ bà con tìm kiếm công việc phù hợp.
Khánh Chi