Có thể giảm thêm 1% lãi suất sau quý I/2013
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng, mức giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn về 8% trong thời gian vừa rồi là hợp lý vì xét về nguyên tắc, lãi suất cần bám sát lạm phát. Theo ông Nghĩa, trong năm 2013 có thể tiếp tục giảm thêm 1% lãi suất, nhưng phải đợi hết quý I/2013, rồi sau đó tiến tới sẽ bỏ trần lãi suất huy động.
Điều kiện để tự do hóa lãi suất, theo ông Nghĩa, là cần phải có biện pháp với các ngân hàng yếu kém. Nguyên nhân là lãi suất trên thị trường hiện nay biến động mạnh bởi một số ngân hàng yếu kém. “Không còn niềm tin để vay được vốn trên thị trường liên ngân hàng, nên dù Ngân hàng Nhà nước áp dụng trần lãi suất cho vay, bản thân các nhà băng yếu kém này lại áp dụng một mức cao hơn để chèo kéo khách hàng, khiến các ngân hàng khác dù không gặp vấn đề về thanh khoản cũng phải chạy đua giữ chân khách, khiến cho lãi suất biến tướng”, chuyên gia nói trên nhận định.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể hạ thêm 1% lãi suất sau quý I/2013, và tiến tới tự do hóa lãi suất, về lâu về dài. Ảnh: Lan Anh. |
Việc cần làm trước mắt của Ngân hàng Nhà nước, theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, là chấn chỉnh lại thị trường liên ngân hàng, tạo cho ngân hàng lớn lòng tin để cho các đơn vị nhỏ hơn vay tiền và bản thân những nhà băng đi vay tiền này cũng có khả năng trả nợ. Ngân hàng Nhà nước cần bảo lãnh cho họ (nhà băng nhỏ) để vay ngắn hạn bù đắp thanh khoản, hoặc nếu không hỗ trợ thì phải kiên quyết xử lý các ngân hàng yếu kém này.
Cũng đồng tình việc lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong năm 2013, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng điều này cần được thực hiện trong bối cảnh chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng sẽ giúp cho doanh nghiệp gỡ được phần nào khó khăn. Tuy nhiên, chuyên gia này không đồng tình với ý kiến cho rằng có thể áp trần lãi suất cho vay. Thậm chí, việc phân nhóm tín dụng đối với các ngân hàng cũng không cần thiết khi mà năm 2012, việc phân nhóm nói trên thực tế đã không hiệu quả, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống nói chung cũng như riêng từng nhà băng đều thấp so với kế hoạch được phân, dù đầu năm 2012, các ngân hàng được xếp nhóm cao đều rất hào hứng với chỉ tiêu này.
Ông Phạm Xuân Hòe - Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) - cũng cho biết, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng, linh hoạt. Cụ thể, nên giảm lãi suất VND, điều chỉnh giảm một liều lượng nhất định lãi suất ngoại tệ để giảm áp lực lên tỷ giá tiến tới mục tiêu lâu dài là giảm đôla hóa. Tự do hóa lãi suất sẽ là kế hoạch dài hơn song cần tính đến thời điểm thích hợp, ông Hòe nhận định.
Còn theo chuyên gia kinh tế Trịnh Quang Anh, giá như các năm trước đây, chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng và linh hoạt thì tốt. Gần đây, điều nhận thấy trên thị trường là công cụ thị trường mở (OMO) vốn dĩ đầy quyền lực đã “chết lịm” từ nhiều tháng nay sau khi kiên trì giữ mức lãi suất trái phiếu 8% mà không có ai mua, đến khi hạ xuống 7% thì cũng chỉ trúng 1.000 tỷ cho thấy OMO đã cạn kiệt không còn khả năng điều tiết cung cầu.
Trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước cắt giảm trần lãi suất huy động tổng cộng 6 lần, mỗi lần giảm 1% từ mức 14%/năm vào đầu năm. Gần đây nhất, ngày 22/12, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố hạ trần lãi suất về 8%/năm đối với các khoản gửi ngắn hạn từ 1 đến dưới 12 tháng. Trên 12 tháng, mức trần nói trên không có hiệu lực mà tùy thuộc vào thanh khoản của mình, các nhà băng được quyết định.
Lan Anh