Có thể ban hành Pháp lệnh Quản lý thị trường ngay tháng này!
Chiều ngày 10/12, trình bày Tờ trình về Dự án Pháp lệnh Quản lý thị trường trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, sau 60 năm ra đời, đến nay, hệ thống cơ quan quản lý thị trường đã được tổ chức từ trung ương đến cấp huyện với hơn 6.000 công chức, người lao động.
Vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của lực lượng quản lý thị trường trong những năm qua đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân ghi nhận.
Tuy nhiên đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức, hoạt động của quản lý thị trường đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập và là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho hiệu quả hoạt động của quản lý thị trường còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, thực tiễn hiện nay, hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các gian lận thương mại khác diễn biến ngày càng phức tạp với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. |
Những vụ việc vi phạm có tổ chức với quy mô lớn diễn ra trên địa bàn liên tỉnh hoặc có tính chất quốc tế ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và tham gia ký kết các hiệp định thương mại quốc tế như WTO, AFTA, TPP...
“Trong bối cảnh đó, việc ban hành Pháp lệnh Quản lý thị trường để luật hóa dưới hình thức Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động của quản lý thị trường để nâng cao địa vị pháp lý của quản lý thị trường, đảm bảo tính công khai, minh bạch, hợp lý và hiệu quả của hoạt động kiểm tra sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thương mại, công nghiệp nhằm bảo vệ thương mại lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích xã hội là rất cần thiết”, ông Hoàng nói.
Đồng tình quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc ban hành Pháp lệnh quản lý thị trường nhằm góp phần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng đang gây bức xúc trong xã hội và được thảo luận, chất vấn nhiều lần tại các cơ quan của Quốc hội, kỳ họp Quốc hội.
Pháp lệnh cũng sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của lực lượng quản lý thị trường, đáp ứng yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này và tương xứng với pháp luật về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng có liên quan khác như Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển...
Đề cập đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, công chức của lực lượng quản lý thị trường, ông Giàu cho biết, đa số ý kiến đề nghị làm rõ phạm vi hoạt động kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường vì phạm vi kiểm tra “hoạt động thương mại” khá rộng, bao gồm cả thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ có thể chồng chéo với chức năng quản lý nhà nước về dịch vụ của các cơ quan khác.
Theo ông Giàu, dự án Pháp lệnh chưa rõ quy định về mô hình tổ chức của lực lượng quản lý thị trường, cần làm rõ mô hình tổ chức của lực lượng với nguyên tắc tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi từ mô hình tổ chức phân tán hiện nay sang mô hình tập trung, thống nhất.
"Do thị trường có tính thống nhất nên bộ máy, nội dung hoạt động, nghiệp vụ của lực lượng quản lý thị trường cần thống nhất để góp phần tăng hiệu quả, tính trách nhiệm của lực lượng này”, ông Giàu nói.
Có thể ban hành Pháp lệnh ngay tháng này
Thảo luận về Pháp lệnh Quản lý thị trường, các đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất cho rằng, lực lượng quản lý thị trường ra đời đã lâu tuy nhiên hiện nay đang thiếu cơ sở pháp lý để hoạt động. Do đó, cần phải nhanh chóng có Pháp lệnh để nâng cao hiệu quả pháp lý trong lĩnh vực quản lý thị trường.
Đồng tình với việc cần phải sớm có Pháp lệnh để lực lượng quản lý thị trường hoạt động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lưu Minh Thông cho biết, điều ông băn khoăn là trong Pháp lệnh chưa rõ được giữa cơ cấu và bộ máy tổ chức quản lý thị trường. Do đó, ông yêu cầu Ban soạn thảo phải làm rõ cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ và tổ chức quản lý thị trường hay quản lý thị trường.
"Trong Pháp lệnh có nói để kiểm tra và thanh tra nhưng chưa nói rõ. Nên làm rõ hoạt động nào là hoạt động thanh tra, hoạt động nào là kiểm tra”, ông Thông nêu ý kiến.
Theo ông Thông, lĩnh vực quản lý thị trường có liên quan trực tiếp đến quyền con người, doanh nghiệp, kinh doanh nên một số nội dung phải hết sức thận trọng.
"Phải làm rõ thời hạn kiểm tra là bao lâu vì doanh nghiệp kinh doanh mà cứ kéo dài thời gian kiểm tra là không được”, ông Thông nói.
Đồng tình quan điểm cần nhanh chóng có Pháp lệnh về quản lý thị trường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, lực lượng quản lý thị trường đã hình thành rất lâu nhưng chưa có địa vị pháp lý hoạt động cho nên cần phải có Pháp lệnh để quy định. Tuy nhiên, theo ông Pháp lệnh do Bộ Công thương trình bày có một số điểm phải rà soát thêm, cụ thể thêm.
"Cần phải thêm nội dung kiểm tra việc gì. Nếu không quy định rõ thì sẽ rất chồng chéo”, ông nhấn mạnh.
Phát biểu quan điểm tại buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, quản lý thị trường là một chức năng kiểm soát và là nội dung quản lý của nhà nước cho nên trong Pháp lệnh phải nói rõ thêm quyền uy của cơ quan này.
"Phải nói rõ khái niệm quản lý thị trường là gì? Ở đây đọc đi đọc lại những không rõ là cái gì? Phải nói rõ thêm chức năng, quyền hạn trong công tác kiểm tra, có thể có quyền dừng, khám xét... Như vậy sẽ đề cao quyền kiểm soát của quản lý thị trường”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn các ý kiến của các đại biểu.
"Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, đề nghị Ban soạn thảo đầu tư thêm cho việc hoàn thiện Pháp lệnh. Nếu nhanh trong tháng này có thể ban hành Pháp lệnh này để tạo thêm cơ sở pháp lý cho lực lượng quản lý thị trường hoạt động còn Luật thì làm sau”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.