Cỗ Tết miền Bắc - dâu Nam ăn "như cực hình"
Phải thú thực rằng, không chỉ riêng gia đình ngoại tôi, nếu so sánh, người miền Nam ăn cỗ Tết đơn giản hơn hẳn người miền Bắc.
Còn nhớ, ngày đón cái tết đầu tiên ở nhà chồng, một trong những gia đình có truyền thống ăn tết to và cẩn thận trong từng chi tiết, tôi như ngợp trong khối lượng công việc khổng lồ mà mẹ chồng vừa xoay xở vừa dặn dò. Không dặn dò sao được, khi tôi là dâu trưởng, người sẽ tiếp quản công việc này cho gia đình bên chồng.
Ảnh minh họa |
Hơn nữa, mẹ chồng luôn nói với tôi, để chuẩn bị cỗ bàn ngày tết, nguyên liệu phải là thứ sạch nhất, chất lượng nhất, tự tay làm chứ không thể xuề xòa ra chợ mua là xong. Tết mà…
Việc đầu tiên là chuẩn bị để gói và luộc bánh chưng. Mặc kệ nhà người khác ra chợ mua 1 cặp bánh chưng là đủ thắp hương ngày Tết, nhà chồng tôi năm nào cũng tự tay gói. Mà cũng không phải gói chơi chơi, gói cả vài chục cân nếp để sao có đủ bánh ăn đến rằm.
Để chuẩn bị cho công đoạn gói bánh, mẹ chồng dẫn tôi ra chợ, bày cách chọn từng lá dong. Rồi rửa lá, dùng khăn sạch lau khô lá dong. Còn nhớ hồi nhỏ ngồi còng lưng rửa lá dong, tôi đã rất hãi món này. Giờ nhìn cả núi lá dong, cộng thêm Tết lạnh và mưa, ngồi ngoài giếng rửa lá, tôi không khỏi bải hoải, tay chân tê cóng.
Đến công đoạn ngâm nếp, đãi đỗ xanh. Việc nào cũng phải đụng đến nước giá buốt. Đãi đỗ xanh tuyệt đối không để lại một vỏ đỗ nào, nên tôi ngồi còng lưng cả buổi sáng mới đãi xong khối lượng đỗ xanh để gói cho vài yến nếp.
Vo gạo nếp cũng phải vo cho đến khi nào nước trong mới thôi. Nhiều khi đứng dậy cho đỡ mỏi lưng cũng khiến tôi xây xẩm mặt mày.
Rồi gói bánh tôi cũng phải học. Luộc bánh chưng tôi cũng phải ở bên cạnh, để biết khi nào vớt bánh thay nước, khi nào được phải lăn bánh, ép bánh cho rền. Luộc nồi bánh chưng có khi mất cả ngày và nó chẳng lãng mạn như trong sách vở tí nào. Chỉ thấy lem nhem khói, nhọ nồi và những lần phồng mang trợn má thổi lửa.
Món chủ đạo thứ hai mẹ chồng hướng dẫn cho tôi là món canh măng. Món không thể thiếu được trong bữa cơm ngày tết, ăn ròng rã cả tuần sau đó.
Măng khô được tuyển từ loại măng nứa, vốn quá quen thuộc với người dân Thái Nguyên. Muốn măng sạch, mẹ chồng dặn tôi phải ngâm nước lạnh từ trước, ít nhất là 2 hôm. Mỗi ngày phải thay nước một đến hai lần. Khi măng đã bắt đầu nở, mềm ra, mẹ tôi hướng dẫn tôi chuẩn bị sang công đoạn luộc măng. Măng luộc phải mở vung để bay bớt mùi và chất độc. Luộc sôi 30 phút lại thay nước một lần. Luộc cho đến khi nào dùng móng tay bấm mềm măng là được. Mỗi lần như thế hết sơ sơ 2,3 cục than tổ ong là bình thường.
Măng luộc được, mẹ hướng dẫn tôi cắt măng vừa miếng ăn, bỏ phần măng già. Nhà đông người, nồi canh măng của mẹ nấu to ngang ngửa nồi luộc bánh chưng, nên tôi phải chật vật mãi mới xong được khâu xử lý măng. Xong xuôi, mẹ chồng đích thân đưa cho tôi âu mỡ lợn để xào măng cho ngấm. Mẹ chồng tôi bảo, muốn măng ngấm mỡ, mắm muối, thì nên xào bằng mỡ lợn và nấu với móng giò thì mới ngon. Tôi vừa xào vừa ho khù khụ vì mùi than tổ ong.
Nồi canh măng to đùng cuối cùng cũng nấu xong, nằm vật vã một góc bếp. Ba ngày tết, nhà chồng tôi chẳng ăn canh gì khác ngoài canh măng. Đến giờ ăn, tôi chỉ cần múc sang 1 nồi nhỏ rồi đun nóng là xong. Chính vì thế, để giữ nồi canh măng không bị thiu, tôi phải hết sức cẩn thận, không thể dùng muôi múc linh tinh để đụng vào nồi canh măng.
Cứ như thế, các món ăn ngày tết như nem, giò, thịt đông, gà, bò kho… mỗi món đều phải chuẩn bị một khối lượng lớn, đủ để ăn hết tết. Nên với tôi, những ngày trước Tết là những ngày thức khuya dậy sớm, cùng mẹ chồng chuẩn bị tất bật, luôn tay. Năm nào cũng như năm nào, những món đó không thể thiếu trong mâm cỗ cúng, dù tôi biết ai cũng phải cố ăn đi ăn lại những món cũ như trái đất nhưng vẫn phải ăn cho đúng phong tục tập quán!
Nhiều khi tôi thèm rau xanh kinh khủng nhưng dường như nó vắng bóng trong mâm cỗ ngày Tết gia đình bên chồng! Nhiều lần tôi góp ý nhưng mẹ chồng gạt ngay, bởi đó là truyền thống. Làm mâm cúng không thịnh soạn, các cụ trách mắng. Đãi khách ngày Tết không có các món đó là xuề xòa, thiếu tôn trọng khách.
Có Tết, tôi chuẩn bị riêng một số món thanh thanh, như lẩu, bò nhúng dấm để đổi món nhưng mẹ chồng lại cho rằng tôi bày vẽ, lích kích, thêm việc. Vài lần như thế, tôi chẳng buồn thay đổi cái gọi là phong tục, tập quán nữa, cố gắng nhịn cho qua mấy ngày Tết. Cả tuần Tết vừa qua với tôi cũng không là ngoại lệ - hùng hục làm và hùng hục ăn, như một thứ cực hình đày đọa cái dạ dày.
Và vì thế, với tôi, mấy ngày Tết luôn là những ngày ngập ngụa công việc và phải chật vật trong khâu ăn uống. Tết vì thế mà ngày một bớt vui.