Có tăng giá điện trong năm 2020 hay không?
Năm 2020 dự báo giá điện sẽ chịu nhiều sức ép do năm 2018 không điều chỉnh giá điện, nên hai khoản chênh lệch tỉ giá với tổng giá trị 3.090,9 tỉ đồng được treo lại và chưa tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018.
Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện nay chưa có nguồn thanh toán cho khoản chênh lệch tỉ giá này.
"Chúng tôi đang chờ phương án giá điện năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì mới có nguồn để trả khoản hơn 3 nghìn tỷ đồng này", ông Nam nói.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, khoản treo lại chưa hạch toán vào đâu. Thời gian tới, khi có quyết định mới sẽ hạch toán vào. Đương nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến giá thành điện trong thời gian tới.
Cũng theo ông Vượng, hiện nay, chi phí phát điện chiếm 70 - 75% giá thành sản xuất điện. Năm 2018 giá thành sản xuất điện là 1.727 đồng/kWh điện, trong khi giá phát điện chiếm tới hơn 1.300 đồng/kWh.
“Với chi phí sản xuất giá điện hiện nay mỗi kWh làm ra, EVN chỉ có mức lãi 4 đồng/kWh”, ông Vượng cho hay.
Trong khi đó, dự báo, sẽ phải huy động gần 3,4 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu với giá thành cao để đủ điện cho 2020.
Lượng điện dầu sẽ còn cao hơn nếu xảy ra các tình huống cực đoan như lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng đột biến hay có sự cố kéo dài tại các nhà máy nhiệt điện.
“Vì vậy, nếu phải huy động điện dầu rất lớn thì tình hình tài chính của EVN về lâu dài sẽ rất khó khăn”, Thứ trưởng nói.
Liệu năm 2020, có điều chỉnh tăng giá điện? Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói: “Chưa thể trả lời chính xác về việc có tăng giá điện trong năm 2020 hay không. Để tăng giá điện sẽ phải có tính toán tổng thể chi phí giá thành và các yếu tố đầu vào của ngành điện. Giá thành điện chỉ là một trong số yếu tố để tính toán phương án tăng giá điện", ông Vượng nói.
Cũng theo Thứ trưởng, Bộ Công Thương đánh giá năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ vào vận hành,… Tuy nhiên, năm 2020 về cơ bản sẽ đáp ứng đủ điện.
Nhưng từ 2021 đến 2025sẽ rất khó khăn. Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc thiếu 7-8 tỷ kWh mỗi năm. Việt Nam cũng dự kiến nhập khẩu 2,1 tỷ kWh điện từ Trung Quốc và 1,1 tỷ kWh từ Lào cho năm sau.
“Vì vậy cần các giải pháp để các dự án điện không bị chậm tiến độ và triển khai các giải pháp tích cực khác để không bị rơi vào tình cảnh nguy cấp”, Thứ trưởng nhấn mạnh.