Cổ phần hóa đã 8 năm, vì sao Sabeco vẫn chưa chịu niêm yết?
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 của Tổng Công ty Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (Sabeco) diễn ra hôm 27/05/2016, ông Võ Thanh Hà – Chủ tịch HĐQT Sabeco - đã dành phần lớn thời gian trả lời chất vấn của cổ đông về việc Sabeco “trốn” niêm yết cổ phiếu.
Chưa biết khi nào thoái vốn nhà nước
Ông Võ Thanh Hà nói: “Việc niêm yết cần cân nhắc nhiều yếu tố, niêm yết vào thời điểm nào để đảm bảo giữ thương hiệu và có giá trị cao nhất cho cổ phiếu, mang lại lợi ích cao nhất cho các cổ đông. Về phía Tổng công ty, chúng tôi khẳng định mong muốn niêm yết, nhưng việc niêm yết như thế nào và vào thời điểm nào thì Tổng Công ty không tự quyết định được và phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố”.
Câu trả lời của ông Võ Thanh Hà cho thấy bản thân Sabeco không có quyền tự quyết việc lựa chọn thời điểm niêm yết, bởi Sabeco là Tổng công ty nhà nước do Bộ Công thương quản lý phần vốn của nhà nước. Đây cũng là bức xúc của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) khi cơ quan này ngày 14/06 đã gửi văn bản đến ông Vũ Huy Hoàng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, và bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương. Theo đó, VAFI đã tố ông Vũ Huy Hoàng trong thời gian tại vị đã không chịu bàn giao Habeco và Sabeco về cho SCIC sau gần 8 năm cổ phần hóa mặc dù SCIC đã nhiều lần yêu cầu.
Trở lại với diễn biến của ĐHCĐ Sabeco, ông Võ Thanh Hà đã trấn an nhà đầu tư khi cho rằng Sabeco mặc dù chưa niêm yết cổ phiếu nhưng đã thực hiện các công tác quan hệ cổ đông và công bố thông tin theo đúng quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC ngày 05/04/2012 và Thông tư 155/TT-BTC ngày 06/10/2015 của Bộ Tài chính.
Đối với việc thoái vốn nhà nước, ông Hà khẳng định đó là chủ trương đúng đắn, giúp cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực và hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, lý do chưa thoái vốn và khi nào sẽ thoái vốn nhà nước lại được vị chủ tọa trả lời một cách vòng vo.
“Về phía HĐQT, trong những năm qua, sau khi có chủ trương của Chính phủ và Bộ Công thương, chúng tôi đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan quản lý Nhà nước về việc định hướng cũng như lộ trình và phương thức thoái vốn. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi hiểu việc thoái vốn như thế nào, thoái vốn cho ai và hình thức nào là vấn đề hết sức quan trọng để đảm bảo tối đa lợi ích cho các cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước và cổ đông cá nhân, vấn đề này đang được các cơ quan quản lý nhà nước cân nhắc hết sức kỹ lưỡng để đảm bảo các lợi ích về mặt kinh tế, tài chính cũng như lợi ích về mặt xã hội trước mắt và lâu dài,” ông Võ Thanh Hà nói.
Báo cáo kết quả kinh doanh và kế hoạch kinh doanh của Sabeco. |
Kế hoạch năm 2016 khiêm tốn
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của Sabeco cho thấy, sản lượng tiêu thụ đạt 1.521 triệu lít, tăng 9% so với năm 2014; doanh thu bán hàng đạt 33.657 tỷ đồng, tăng 10%; lợi nhuận sau thuế 3.600 tỷ đồng, tăng 28%; tỷ lệ chia cổ tức là 30%.
Sabeco đặt kế hoạch năm 2016 với sản lượng tiêu thụ tăng 1%, doanh thu tăng 4%, lợi nhuận trước thuế tăng 0% so với năm 2015, tỷ lệ cổ tức vẫn giữ nguyên 30%.
Sabeco chiếm 43% thị phần cả nước, vì vậy việc duy trì tốc độ tăng trưởng lớn là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Thay vào đó, Sabeco cho rằng việc giữ vững thị phần cũng đã là thành công và đặt mục tiêu duy trì thị phần trong năm 2016, thay vì mục tiêu tăng thị phần.
Trước thắc mắc của cổ đông về kế hoạch khiêm tốn cho năm 2016, ông Võ Thanh Hà cho biết, thị trường có những thuận lợi nhưng không ít những khó khăn, tác động của chính sách ảnh hưởng đến tổng thể kế hoạch kinh doanh của Tổng công ty. Năm 2016 Sabeco dự kiến nộp 15.000 tỷ đồng tiền thuế các loại, riêng thuế tiêu thụ đặc biệt trên 10.000 tỷ đồng, trong đó tổ hợp công ty mẹ - công ty con là 6.500 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính tại ngày 31/12/2015, số trích dự phòng thuế tiêu thụ đặc biệt cho các năm trước là 1.500 tỷ đồng.
Trước thắc mắc của cổ đông về kết quả kinh doanh quý 1/2016 với doanh thu đạt 36% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt 27% kế hoạch, ông Võ Thanh Hà giải thích nguyên nhân là do thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thêm 5% và một số yếu tố khác.