Có nên thừa nhận vận động hành lang, "lobby chính sách" không?
Sáng nay (14/11), Quốc hội Khóa XIII, Kỳ họp thứ 10 tiếp tục phiên toàn thể, thảo luận về Nội quy kỳ họp.
Phát biểu mở đầu phiên họp, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) bày tỏ sự tán thành với quy định công dân dự thính (Khoản 5 Điều 8) trong dự thảo. Theo Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, đây là nội dung mới, quan trọng. Tuy nhiên, cần phải quy định theo hướng tạo điều kiện để công dân được dự thính các phiên họp QH. “3 chữ “tạo điều kiện” phải ghi vào trong nội quy vì người dân có quyền giám sát hoạt động QH. QH cũng nên tiếp cận, phát huy và để người dân đóng góp trí tuệ trực tiếp vào hoạt động QH ngày càng nhiều càng tốt”.
Đại biểu Độ Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, trong dự thảo Nội quy kỳ họp quy định tạo điều kiện cho công dân nhưng không nên quy định kèm “yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho Quốc hội”. Đại biểu Hùng giải thích, điều này là yêu cầu chung cho cả kỳ họp và đưa vào có vẻ như "ngầm ý hạn chế"; nên có quy định về cơ chế, hình thức để người dân đóng góp trực tiếp của mình vào hoạt động của Quốc hội như hộp thư, phòng trao đổi, bố trí người tiếp...
Đại biểu QH Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội |
Tiếp theo ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) lại nhấn mạnh đến việc tranh luận tại Quốc hội. Theo ông Quyền, Quốc hội ta cơ bản là Quốc hội tham luận, chưa chuyển sang tranh luận, là vấn đề lớn nhất trong hoạt động Quốc hội hiện nay. Tại Điều 16 về thảo luận chưa quy định để khắc phục chuyện này. Về điều hành phiên họp, có ý nghĩa quan trọng để đại biểu phát biểu tham luận và tranh luận, thể hiện quan điểm, chính kiến của mình. Do đó, cần phải có quy định về điều hành.
“Lâu nay thấy điều hành tốt rồi, nhưng vẫn băn khăn về tính không thống nhất của việc điều hành. Cần phải có điều quy định về điều hành phiên họp để khắc phục tính tham luận, đứng lên đọc một bài chuẩn bị sẵn. Có hàng chục bài chuẩn bị sẵn tương đối trùng nhau”- Đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói.
Góp ý về vấn đề biểu quyết, ĐB Nguyễn Đình Quyền đề nghị, Quốc hội cần công bố công khai danh tính các ĐB Quốc hội biểu quyết hay không biểu quyết, để họ thể hiện rõ quan điểm của mình trước nhân dân, chịu trách nhiệm của mình.. thể hiện bản lĩnh của ĐB QH. Điều này các nước làm lâu rồi. Nên quy định để nhân dân biết được vì biểu quyết là một trong những hoạt động quan trọng nhất của đại biểu Quốc hội trong thể hiện quan điểm, chính kiến của mình.
Đặc biệt, Đại biểu Nguyễn Đình Quyền, đặt câu hỏi, chúng ta có hợp thức hoá vận động hành lang (lobby chính sách) hay không? Theo ông Quyền, nhiều nước đã có luật vận động hành lang. Lâu nay, vẫn có cái vận động bên ngoài hành lang về vấn đề nọ, vấn đề kia. Dù chúng ta có quy định hay không quy định thì đây là một tất yếu trong hoạt động chính trị. Tôi nghĩ rằng cũng đến lúc chúng ta phải hợp thức hoá về vận động hành lang làm sao để nó minh bạch, công khai và trong sáng trong thể hiện ý chí, nguyện vọng nhân dân.
Nhìn dự thảo nội quy ở góc độ khác, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) bày tỏ lo ngại: “nếu cứ như dự thảo thì đương nhiên đại biểu quốc hội sẽ tự đánh giá mình là người không chấp hành quy định pháp luật về trách nhiệm, nghĩa vụ của đại biểu”.
Đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng với nội dung Dự thảo có nhiều quy định “đại biểu như một học sinh trong trường học”. Nhiều ĐB QH là người ưu tú, có trách nhiệm, tự trọng cá nhân.
Theo đạ biểu Chu Sơn Hà, một số quyết định đang bị hành chính hoá chứ không hoạt động theo tập thể, quyết định theo đa số. Cần có điều quy định rõ ràng về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của người chủ trì phiên họp. Làm rõ khái nhiệm chủ toạ, chủ trì, điều hành khác nhau như thế nào.
Ngoài ra, đại biểu Chu Sơn Hà cũng bày tỏ ủng hộ hình thức biểu quyết công khai danh tính đại biểu, để thể hiện ý chí của đại biểu, đồng thời công khai quan điểm của đại biểu với cử tri.