Có nên dừng thu phí bảo trì đối với xe máy?
Đó là vấn đề ĐBQH đặt ra tại phiên chất vấn và giải trình về việc thu phí bảo trì đường bộ chiều 11/4.
ĐBQH đặt vấn đề có nên dừng thu phí bảo trì đối với phương tiện xe máy |
Trả lời về những băn khoăn của ĐBQH liên quan đến chủ trương thu phí bảo trì đường bộ, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, việc thu phí được chia làm hai nhóm ô tô và xe máy.
Đối với phương tiện ô tô, do trạm đăng kiểm các tỉnh phụ trách và năm 2013 thu được 5.500 tỷ đồng. Trong đó 65% nguồn thu chuyển về trung ương, 35% còn lại để cho địa phương.
Đối với xe máy, mức thu đạt rất thấp, mới chỉ khoảng 20% so với dự kiến. Nguyên nhân do các tỉnh làm chậm, còn nhiều lúng túng.
Sau khi xin ý kiến các tổ chức, người dân được sự cho phép của Chính phủ, vào tháng 6 này sẽ sửa Nghị định 18 và Thông tư 197 về mức thu tăng, giảm phương tiện…
Phó Chủ nhiệm UBTCNS Đinh Văn Nhã đặt câu hỏi: Việc thu phí người dân cho là đúng. Nhưng trong vài năm tới, khi quốc lộ 1A hoàn thành, đi vào sử dụng sẽ có gần 20 trạm thu phí BOT trên tuyến đường này. Bộ GTVT tham mưu như thế nào cho Chính phủ về việc này. Việc triển khai thu phí lúc đó sẽ ra sao?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Nếu đầu tư nâng cấp quốc lộ 1A, đường 14 qua Tây Nguyên chỉ bằng nguồn vốn NSNN thì sẽ cần một nguồn vốn rất lớn. Sau khi Quốc hội, Chính phủ cho phép kêu gọi đầu tư BOT, Bộ GTVT đã lập đề án, cách 70 km lập trạm thu phí, tổng cộng sẽ có 17 trạm BOT trên quốc lộ 1A.
Thế giới đều thực hiện đầu tư bằng BOT, người dân cũng phải đóng góp. Theo tính toán, 1 xe tải trọng 20 tấn đi từ TPHCM ra Hà Nội, tổng chi phí đường bộ từ 1,5 – 1,7 triệu đồng. Mức phí này không lớn, hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Vậy có xảy ra phí chồng phí khhông? Nghị định 18 quy định rõ, quỹ bảo trì chỉ để bảo trì cho đoạn đường không phải BOT. Đối với các tuyến đường BOT nhà đầu tư phải có trách nhiệm trong bảo trì. Như thế là không có chuyện phí chồng phí.
ĐBQH Trương Văn Vở, đoàn Đồng Nai chất vấn: Cử tri luôn đặt câu hỏi, có phải nguyên nhân giá cước, phương tiện quá tải do thu phí bảo trì đường bộ hay không?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Trước đây hoạt động vận tải do quản lý không chặt, dẫn đến xe đều chở vượt tải. Khắc phục tình trạng này, Bộ đã triển khai dùng biện pháp trạm cân di động. Qua đó toàn bộ xe đều phải hạ tải, buộc chủ vận tải phải điều chỉnh cước vận tải. Điều này là bắt buộc.
Phó Chủ nhiệm UBTCNS Trần Văn: Sau một năm hoạt động, nhiệm vụ mục tiêu của quỹ bảo trì có đạt được không? Năm 2013 mức thu phí xe máy chưa đạt kết quả, chỉ đạt 20%. Có ý kiến cho rằng, phí thu từ xe máy giá trị không lớn, nhưng chi phí quản lý tổ chức thu lại lớn. Vậy có nên dừng thu phí bảo trì đối với phương tiện xe gắn máy?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Vấn đề hiệu quả của quỹ bảo trì, mới đây Hội đồng quỹ đã họp tổng kết và thấy hiệu quả rất rõ.
Trước đây ở địa phương khi chưa có quỹ đường bộ, 1 năm ngân sách tỉnh cấp từ 3 – 5 tỷ bảo trì. Sau khi có quỹ, các tỉnh có từ 35 – 40 tỷ đồng. Các địa phương nói quỹ là cứu cánh cho hạ tầng địa phương.
Đi kiểm tra chúng tôi thấy đường tốt hơn nhiều. Ở trung ương đường cũng được cải thiện rất tốt.
Đối với việc thu phí xe máy, sau một năm thực hiện Bộ sẽ xin ý kiến thêm để có ý kiến chỉ đạo từ Chính phủ, Quốc hội về việc này.