"Có lẽ Thống đốc nên xem lại phát ngôn của mình"
Tại buổi gặp gỡ báo chí dịp cuối năm (27/12), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói rằng: “Điều tôi hài lòng là các mục tiêu kinh tế vĩ mô về lạm phát, thanh khoản, lãi suất và thị trường vàng đã thành công. Tuy nhiên, điều tôi trăn trở là trong 100% khó khăn của ngành ngân hàng thì báo chí gây ra đến 40%-50%. Sự ủng hộ, đồng thuận của báo chí chưa cao, chạy theo vụ việc đơn lẻ, thổi lên quá đà, tạo dư luận chung trong xã hội không tốt...”
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, có lẽ Thống đốc nên xem lại phát ngôn của mình, thay vì đổ lỗi thì nên ghi nhận, hoan nghênh.
- Thưa ông, ông nghĩ sao về ý kiến của Thống đốc “trong 100% khó khăn của ngành ngân hàng thì báo chí gây ra đến 40%-50%”?
- Có lẽ thống đốc nên xem lại phát ngôn của mình. Tôi không đồng ý với quan điểm của thống đốc. Nếu không có báo chí phanh phui ra các tiêu cực, sai phạm của ngân hàng, chỉ ra những bất ổn trong điều hành chính sách, phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp, kỳ vọng của người dân với chính sách tiền tệ thì liệu ngành ngân hàng, A, ngân hàng B có rút ra được bài học hay không?
Báo chí là tai mắt của người dân. Tôi cho rằng cái mà báo chí chưa hoàn thành hết trong vai trò của mình là chưa phản ánh được tất cả sự thật đằng sau câu chuyện điều hành ngân hàng, phương thức kinh doanh của giới ngân hàng. Do đó, thống đốc không thể đổ thừa cho báo chí, đáng ra phải ghi nhận, hoan nghênh báo chí đã đồng hành vì lợi ích chung của hệ thống ngân hàng.
- Vậy ở góc độ của một chuyên gia, người trực tiếp nghiên cứu ngành tài chính ngân hàng, ông đánh giá thế nào về bức tranh ngành năm 2012?
- Để đánh giá hết thảy những thành quả và hạn chế về bức tranh ngân hàng năm 2012 không thể gói gọn trong một bài báo hay một hội thảo, một cuộc họp. Ngân hàng Việt Nam 2012 chứng kiến quá nhiều biến động. Tôi còn nhớ cách đây 3-4 năm, lĩnh vực ngân hàng rất sôi động, nhân viên thu nhập cao, sinh viên đổ xô thi vào như là sự lựa chọn số một. Thế nhưng bây giờ ngân hàng đối mặt với vô vàn khó khăn, lợi nhuận giảm mạnh, nợ xấu tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, giá vàng tạo khoảng cách so với giá thế giới.
Ngành ngân hàng hiện đối mặt với vô vàn khó khăn. |
- Thống đốc cho rằng trong điều kiện của Việt Nam thì tiến độ xử lý nợ xấu như vậy là được nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng Ngân hàng Nhà Nước quá chậm. Ý kiến của ông ra sao?
- Đúng vậy. Vấn đề nợ xấu đã được ngành ngân hàng xác định ngay từ đầu năm nhưng đến hết năm việc xử lý rất chậm và lúng túng. Tôi có cảm giác vấn đề nợ xấu mới chỉ dừng ở mức chẩn đoán bệnh chứ chưa có phác đồ điều trị. Ngay như con số nợ xấu còn chưa thống nhất, tỉ lệ nợ xấu theo thanh tra Ngân hàng Nhà nước là trên 8% nhưng theo tôi đến nay phải lên đến 15%.
- Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là điều hành lãi suất bám theo lạm phát và linh hoạt nhưng suốt cả năm doanh nghiệp luôn kêu khó tiếp cận vốn. Quan điểm của ông về cách điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước?
- Theo tôi năm qua, Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất không hiệu quả, đang theo kiểu “nửa chừng xuân”, đầu vào áp trần, đầu ra thả nổi khiến thị trường chông chênh, méo mó. Phải biết lựa chọn phương án điều hành, nếu thả nổi lãi suất mà khiến những ngân hàng yếu, không có năng lực phá sản, bị loại khỏi thị trường thì cứ thả. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nói rằng để bảo vệ hệ thống, cứ đứng ra “ôm” ngân hàng yếu, tạo nên tình trạng điều hành không dứt khoát.
- Cũng trong năm qua, nhiều vị lãnh đạo chủ chốt các ngân hàng dính vào vòng pháp luật, chuyện thay đổi nhân sự điều hành diễn ra liên tục. Dư luận đặt ra vấn đề đạo đức trong ngành. Theo ông thì sao?
- Lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng đã được người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước thừa nhận. Thế nhưng tôi không đồng ý với quan điểm của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khi cho rằng nguyên nhân của vấn đề lợi ích nhóm là lực lượng thanh tra, giám sát quá mỏng, nghiệp vụ hạn chế. Mỗi tỉnh đều có chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, có cán bộ thanh tra chẳng lẽ lại không quản nổi các ngân hàng trên địa bàn của mình?
Tôi nhấn mạnh điều này để chúng ta suy ngẫm sâu hơn, “bóng ma” tham nhũng có vẻ như đã len lỏi trong cách giám sát của cơ quan thanh tra ngân hàng.
- Giá vàng năm qua như “con ngựa bất kham”, Ngân hàng Nhà nước đề xuất chính phủ ra Nghị định 24/2012 với ý tưởng xóa “vàng hóa”. Tuy nhiên, từ khi có nghị định, giá vàng trong nước càng tăng lên và tạo khoảng cách chênh lệch giá thế giới?
- Tôi không hài lòng với quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cho rằng chỉ bình ổn thị trường vàng chứ không bình ổn giá vàng. Bởi lẽ về ngắn hạn, cách điều hành bình ổn thị trường là hợp lý nhưng về dài hạn thì không hợp lý. Trong một cơ chế điều hành cần có vừa bình ổn thị trường vừa bình ổn giá mới đúng. Nghị định 24/2012 ra đời nhằm quản lý và ổn định thị trường vàng trong nước, giúp giá vàng ổn định, hạn chế nhóm đầu cơ vàng cùng sự mua bán trao đổi vàng như một thứ hàng hóa trong dân. Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước giá vàng thế giới càng ngày cao, đầu năm hơn 1 triệu đồng/lượng nhưng đến cuối năm lên hơn 5 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch quá cao và chịu thiệt chỉ có người dân.
- Vậy ông có kỳ vọng gì về cách điều hành hệ thống ngân hàng năm tới?
- Tôi cho rằng vấn đề phục hồi niềm tin của người dân về chính sách tiền tệ, xử lý nợ xấu, nhóm lợi ích là quan trọng nhất. Khi có niềm tin, sự đồng thuận sẽ cao hơn.
Theo Pháp luật TP HCM