Có kế hoạch mang thai, cần tiêm phòng những mũi gì?
Theo bác sĩ Phạm Thị Ngoan – trưởng phòng tiêm chủng, Bệnh viện đa khoa An Việt, khi có kế hoạch sinh con, chị em phụ nữ cần có kế hoạch tiêm chủng để phòng các bệnh trong thai kỳ cho cả mẹ và bé.
Khi mang thai, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động kém hơn bình thường. Nguy cơ nhiễm bệnh của bạn cũng vì vậy mà tăng lên. Một số bệnh chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu thông thường. Tuy nhiên, số khác lại có thể gây những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của bạn và thai nhi. Tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ bạn khỏi những nguy hiểm không đáng có này. Ngoài ra, một số loại vắc xin còn có khả năng giúp bé tăng sức đề kháng ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Bác sĩ Phạm Thị Ngoan tư vấn cho các bà mẹ trẻ về tiêm vắc xin |
Tiêm phòng trước khi mang thai chắc chắn là việc đáng lưu tâm với những ai chuẩn bị mang bầu. Đây là cách hiệu quả nhất ngăn ngừa khả năng dị tật thai nhi trong những tháng đầu thai kỳ.
Trước khi tiêm phòng, chị em sẽ được các bác sĩ khám, tư vấn, làm xét nghiệm máu để đánh giá lượng kháng thể và khả năng miễn dịch với từng loại bệnh. Dựa trên tình hình sức khỏe mà bác sĩ sẽ tư vấn bạn cần nên tiêm bao nhiêu loại vắc xin và tiêm trước khi mang thai bao lâu.
Có những loại yêu cầu tiêm vắc xin trước khi mang thai 1 tháng (như thủy đậu), có những loại 3 tháng (như Rubella) nhưng cũng có những loại có thể tiêm trong thai kỳ (như cúm) …
Dưới đây là lời khuyên của bác sĩ Ngoan dành cho các phụ nữ chuẩn bị mang thai cần lưu ý tới các vắc xin cần tiêm này:
Thứ nhất, vắc xin thủy đậu tiêm trước khi mang thai 3 tháng
Nếu bạn chưa bị thủy đậu thì nên cân nhắc tiêm vắc xin trước khi mang thai. Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu có thể gây thủy đậu bẩm sinh cho trẻ sau sinh (khoảng 2% thai nhi bị nhiễm bệnh nếu mẹ mắc thủy đậu trong 3 tháng giữa của thai kỳ).
Thứ hai, vắc xin sởi - quai bị - rubella tiêm trước khi mang thai 3 tháng.
Trong tháng đầu tiên sau khi tiêm phòng, bạn cần thực hiện biện pháp tránh thai và chỉ có thai sau khi tiêm phòng ít nhất 1 tháng. Một số bệnh nhiễm trùng, đặc biệt Rubella (sởi Đức), có thể gây dị tật nặng nề cho thai nếu người mẹ bị nhiễm trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Thứ ba, vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung: dành cho bạn gái trong độ tuổi 9-26, gồm 3 mũi tiêm liên tiếp trong 6 tháng. Bạn cần hoàn thành mũi tiêm cuối trước khi mang thai ít nhất 1 tháng.
Thứ tư, vắc xin cúm nên được thực hiện trước khi mang thai ít nhất 1 tháng.
Nhiễm cúm trong thai kỳ, đặc biệt với các trường hợp có sốt cao có thể gây dị tật hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng tới thai nhi như sảy thai, đẻ non,...
Thứ năm, vắc xin viêm gan B, nếu bạn chưa tiêm phòng viêm gan B và được xác định chưa mắc viêm gan B thì bạn nên tiêm phòng viêm gan B trước khi có thai.
Thứ sáu, vắc xin ngừa uốn ván, bạch hầu, ho gà (Tdap) có thể được tiêm trong khi bạn đang mang thai.
Khánh Chi