Cô giáo Hải Phòng đánh học sinh lớp 1 tím tay: Đừng nhầm lẫn giữa 'kỷ luật' và 'trừng phạt'!
Do không tập trung học tập, một học sinh lớp 1A2, Trường Tiểu học Đồng Thái (Hải Phòng) đã bị cô giáo chủ nhiệm dùng thước kẻ đánh tím tay.
Mới đây, tài khoản N.B đăng thông tin trên mạng xã hội Facebook với nội dung: “Cháu em học trường Tiểu học Đồng Thái (huyện An Dương), lớp 1A2. Cô Nguyễn Thị Yến giáo viên chủ nhiệm lớp đánh cháu em tím hết cánh tay, mông như thế này, còn bảo đánh nhẹ. Mùa đông rét cháu bị thế em sang nói chuyện tử tế nhưng còn thách thức người nhà em kiện, mọi người thử xem cô này có xứng đáng làm giáo viên không...”.
Đính kèm với nội dung trên là hình ảnh bắp tay học sinh bị bầm tím.
Bài viết trên đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều người tỏ ra phẫn nộ trước hành vi của cô giáo vì lâu nay việc giáo viên đánh học sinh đã bị xã hội lên án nhiều nhưng xem ra nhiều cô giáo vẫn thiếu kiên nhẫn và dùng bạo lực với học sinh.
Bài đăng thu hút sự quan tâm của dư luận. |
Theo báo cáo của UBND huyện An Dương (Hải Phòng) thì cô giáo bị phản ánh đánh học sinh là cô Nguyễn Thị Yến, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A2 (trường Tiểu học Đồng Thái).
Chiều 30/12, trong tiết Tiếng Việt, cô Yến hướng dẫn các em học sinh luyện viết chữ cỡ nhỏ vào vở thì thấy em N.M.T không tập trung viết bài, nói chuyện và làm việc riêng. Dù được cô giáo nhắc nhở nhiều lần nhưng em vẫn không tập trung.
Trong lúc nóng giận thiếu kiềm chế, cô Yến dùng thước kẻ đánh vào phần mềm bắp tay của em T. nhưng em không biểu hiện đau nên cả lớp tiếp tục tiết học. Cuối buổi học, cô Yến chủ động gặp phụ huynh em T., trao đổi về tình hình học tập và việc đánh em để nhắc nhở em tập trung học tập, đồng thời nhận lỗi và mong phụ huynh chia sẻ, thông cảm cho việc thiếu bình tĩnh của mình.
Trước sự việc trên, UBND huyện An Dương yêu cầu nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quá trình quản lý thực hiện quy chế, nội quy của nhà trường trong việc giáo dục và đào tạo học sinh; tuân thủ nghiêm những quy chuẩn, đạo đức nhà giáo.
UBND huyện An Dương cũng yêu cầu nhà trường làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với vi phạm của cô giáo.
Về phía Trường Tiểu học Đồng Thái, ngay khi nhận được thông tin về sự việc, nhà trường đã họp Chi bộ, Hội đồng trường yêu cầu cô Yến tường trình về sự việc. Nhà trường tạm đình chỉ công tác với cô Yến một tuần để xác minh, làm rõ sự việc.
Liên quan đến sự việc này, trao đổi với Infonet, cô Lê Thị Loan - nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) khẳng định rõ ràng rằng dù với bất cứ lý do nào đi nữa thì cũng không thể chấp nhận việc hành xử bạo lực với học sinh.
Giáo dục hiện nay ngoài việc trau dồi tri thức, nâng cao thể chất thông qua các hoạt động thực tế, đội ngũ nhà giáo còn phải quan tâm tới việc giáo dục tư tưởng, dạy các em phân biệt phải trái, đúng sai và những điều hay lẽ phải.
“Trong quá trình giáo dục này, song song với các hình thức khen thưởng, thầy cô cũng cần đưa ra những biện pháp kỷ luật, răn đe đối với học sinh ngỗ nghịch, không nghe lời khuyên can, nhắn nhủ của giáo viên và cha mẹ hay có những hành vi làm ảnh hưởng tới bản thân, tập thể lớp…
Kỷ luật là cần thiết trong mọi lĩnh vực không chỉ riêng giáo dục. Nó giúp con người nhận thức được sai lầm và đưa mọi thứ trở về nề nếp, quỹ đạo. Có điều, với lĩnh vực mà đối tượng là con người, là thế hệ trẻ, hình thức kỷ luật phải mang tính nhân văn thì mới mang lại hiệu quả giáo dục như mong muốn.
Chúng ta đừng nhầm lẫn giữa "kỷ luật" và "trừng phạt". Kỷ luật là hình thức giúp trẻ nhận ra lỗi lầm, điều chỉnh lại hành vi nhưng vẫn không mất đi sự tự tin. Ngược lại, trừng phạt là những biện pháp gây xúc phạm, đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần khiến các em cảm thấy tự ti, thậm chí không thể nhận ra lỗi sai của mình.
Đã chọn làm nghề giáo thì dù áp lực thế nào, dù học sinh có hiếu động, quậy phá ra sao, thầy cô cũng cần phải xem xét, tìm hiểu lý do và lựa chọn biện pháp giáo dục phù hợp. Hãy dùng tình thương, trách nhiệm để cảm hóa và hướng trẻ đến những hành vi đúng đắn, thúc đẩy sự tự giác, tự lập, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung”, cô Lê Thị Loan nói.
Cũng theo cô Loan, với những hành vi chưa chuẩn mực của học sinh, giáo viên phải biết cách dùng kỷ luật tích cực. Ví dụ như nếu trẻ vứt rác lung tung, trẻ sẽ phải ở lại dọn dẹp lớp học, tưới cây quanh khuôn viên trường; nếu trong tiết không làm bài tập, thầy cô có thể giao cho trẻ bài tập về nhà và ngày mai trình bày trước lớp; trẻ nói sai có thể yêu cầu con nói lại cho đúng.../.
Vụ bé gái 8 tuổi bị 'dì ghẻ' bạo hành: 'Nhiều người không có kỹ năng nhận diện tổn thương sức khỏe tinh thần'
PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng giáo viên chính là người dễ dàng nhận diện nguy cơ trẻ bị bạo hành, nên phải được trang bị cách nhận diện, phát hiện bạo lực.
Hoàng Thanh