Có chồng, nên 'hẹp' với người nhà?
Em Hạnh làm nhà thiếu tiền, chạy qua mượn chồng Hạnh 200 triệu đồng. Anh rể cho mượn, nhưng bắt em vợ ký giấy nợ. Hạnh tức lắm!
Hạnh khoe mới mua xe bốn chỗ, nhưng vợ chồng giận nhau cả mười ngày không nhìn mặt. Lý do là Hạnh đòi mua chiếc bảy chỗ, để sau này mời ba mẹ, hoặc anh chị em, bạn bè cùng đi du lịch. Chuyện này Hạnh đã từng bàn trước với chồng, nhưng anh cho rằng, xe bốn chỗ là phục vụ gia đình bốn người. Nếu ba mẹ, anh chị em, bạn bè muốn đi cùng thì thuê xe lớn hơn. Không lẽ lần nào đi du lịch, cũng cõng theo cả đại gia đình, phải để vợ chồng con cái được riêng tư chứ?
Sắm xe, đâu chỉ để đi du lịch, khi thì đưa rước con cái, đi ăn, đi làm, lúc ấy chẳng lẽ tha chiếc bảy chỗ, bất tiện vô cùng. Chồng đã nói thế, thôi thì, xe mang về nhà, coi như chuyện đã rồi, chứ Hạnh không mấy hài lòng.
Ảnh minh họa |
Hạnh tính, xe bảy chỗ, nhiều khi đi đường xa, còn có chỗ cho con nằm nghỉ, thì chồng bảo chẳng bất tiện nào bằng người 45kg mà phải chui trong cái áo rộng của người 85kg. Hạnh tự an ủi: xe là tiền chồng làm ra, coi như anh ấy có quyền.
Nhưng mới đây, em Hạnh làm nhà thiếu tiền, chạy qua mượn chồng Hạnh 200 triệu đồng. Anh rể cho mượn, nhưng bắt em vợ ký giấy nợ. Hạnh tức lắm, chồng làm vậy chẳng nể mặt vợ, người nhà với nhau có đáng phải làm thế không?
Nhìn em vừa ký vừa buồn, Hạnh không chịu nổi, nên khi em về rồi, Hạnh liền gọi điện bảo em thông cảm. Nghe vợ trách, chồng Hạnh liền khẳng định, em của chồng hay em của vợ, đã mượn nợ là phải có cam kết, 200 triệu chứ không phải 20 triệu, cho mượn không lãi đã là quý rồi, cho là cho, mượn là mượn, giấy trắng mực đen rõ ràng. Chồng Hạnh là thế, nguyên tắc với cả người nhà.
Hạnh về khóc với mẹ, rằng cha mẹ, anh chị em, không phải là người nhà hay sao mà chồng ích kỷ thế? Mẹ Hạnh khuyên con gái lấy chồng rồi, nên “thu hẹp” khoảng cách người nhà lại. Cha mẹ có thể là người nhà, nhưng anh chị em thì ai có phần nấy. Người nhà là vợ chồng con cái kìa. Anh sẵn sàng chi số tiền lớn nếu vợ con có nhu cầu, còn thường xuyên quà cáp bố mẹ vợ, thì anh ấy không phải ích kỷ. Chẳng qua là anh sống nguyên tắc.
Vợ chồng nên tôn trọng nguyên tắc của nhau. Anh ấy đôi khi kỹ lưỡng với người ngoài, nhưng với vợ con thì thoải mái, còn đòi hỏi gì hơn? Với anh em ruột thịt đã ra riêng, sống tốt với nhau không phải ở chỗ cho mượn tiền, mà có thể quan tâm bằng nhiều cách. Nhưng phải nhớ rằng tất cả đã rời tổ, thì mối quan hệ của anh chị em ruột lúc này trở nên có giới hạn. Tất cả đủ lớn để không dựa dẫm, ỷ lại, rằng đi mượn tiền là làm khó người khác rồi, nên có trách thì trách em chứ đừng trách chồng.
Hạnh thấy lời mẹ khuyên thật sự có lý. Hồi chưa lấy chồng, Hạnh công khai cho tiền vợ chồng người anh trai vốn khó khăn, còn bây giờ, muốn cho cũng phải dấm dúi, kẻo chồng… nóng mặt. Thử đặt mình vào vị trí của chồng, chắc Hạnh cũng không chấp nhận, người ta giúp ngặt chứ không giúp nghèo. Lấy chồng rồi, Hạnh vẫn luôn nghĩ về ba mẹ, anh chị em, điều đó thật đáng quý, không sai.
Nhưng chuyện cái xe, rõ ràng, chiếc bảy chỗ hao nhiên liệu hơn chiếc bốn chỗ, mục đích mua xe không phải chỉ để đi du lịch, mà mỗi ngày đưa rước con, đi giám sát công nhân làm việc, vừa tiện vừa tiết kiệm. Hạnh đã nhận ra chồng có lý. Thay vì dúi tiền cho anh hai, Hạnh về bàn với chồng, sẽ cho anh chị mượn tiền vô thời hạn để mở cửa hàng tạp hóa, tạo điều kiện cho chị dâu có việc làm, san sẻ gánh nặng kinh tế với anh. Hạnh tin chồng sẽ đồng ý.
Theo Phi Khanh/ PNO