Chuyện ông chủ Hyundai đi vay tiền xây nhà máy đóng tàu: Trên thương trường, điên rồ một chút, liều mạng một chút mới làm nên kì tích!
Chuyện ông chủ Hyundai đi vay tiền xây nhà máy đóng tàu: Trên thương trường, điên rồ một chút, liều mạng một chút mới làm nên kì tích!
Chuyện ông chủ Hyundai đi vay tiền xây nhà máy đóng tàu: Kẻ hài hước, liều mạng hay một người điên?
Sau khi thỏa thuận xong hợp đồng hợp tác kỹ thuật với Công ty A&P Appledore và Nhà máy đóng tàu Scott Lithgow của Anh, tôi đến thẳng Luân Đôn gặp Chủ tịch Longbottom của A&P Appledore để giải quyết vấn đề đau đầu nhất là vốn vay.
Có phải chuyên môn của ông là hài hước?
Tôi muốn nhờ ông Longbottom giúp xem có cách nào để thuyết phục ngân hàng Barclays không. "Vì hiện tại các ông chưa nhận được đơn đặt hàng nào, đồng thời có quá nhiều ý kiến nghi ngại về khả năng chi trả cũng như tiềm năng của Hàn Quốc, nên tình hình rất khó xoay chuyển", câu trả lời của ông Longbottom khiến tôi như bị mắc nghẹn.
Khi đó, tôi chợt nhớ ra trong túi mình có tờ 500 won, trên đó có hình vẽ chiếc thuyền rùa. Tôi lấy tờ giấy bạc đặt lên bàn.
"Ông hãy xem tờ tiền này. Đây là thuyền rùa đấy. Tôi biết lịch sử ngành đóng tàu của Anh Quốc đã bắt đầu từ thế kỷ 19. Nhưng vào thế kỷ 16, dân tộc chúng tôi đã làm ra chiếc thuyền bọc sắt này để dạy cho Nhật Bản một bài học. Như vậy, chúng tôi đã đi trước các ông 300 năm. Mặc dù quá trình công nghiệp hóa của chúng tôi bị chậm lại và ý chí sáng tạo bị mài mòn do chính sách bế quan tỏa cảng, nhưng chúng tôi vẫn là một dân tộc đầy tiềm năng."
Nghe vậy, ông Longbottom bật cười và gật đầu tán thành. Nhờ sự giúp đỡ của ông Longbottom, chúng tôi đã sắp xếp được các cuộc gặp với Ngân hàng Barclays để đàm phán về việc vay vốn. Trước tiên, ngân hàng này cử người đến Hàn Quốc để thẩm định nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón, nhà máy xi măng do chúng tôi xây dựng. Kết quả thẩm định là Hyundai có khả năng đóng được tàu nếu toàn bộ chuyên gia cũng như nhân viên của Hyundai được huấn luyện và đào tạo lại.
Sau khi Ngân hàng Barclays tiến hành thẩm định một đợt nữa, Phó Thống đốc phụ trách đối ngoại của ngân hàng này đã hẹn ăn trưa với chúng tôi. Chúng tôi được mời đến một nhà hàng sang trọng để ăn trưa cùng với Ban giám đốc ngân hàng. Phó Thống đốc ngân hàng phụ trách đối ngoại vừa ngồi xuống đã hỏi tôi:
"Chuyên môn của ông là về kinh doanh hay khoa học kỹ thuật?"
Tôi hơi bất ngờ, nhưng đáp lại một cách thản nhiên: "Ông đã nhìn bản kế hoạch kinh doanh tôi nộp cho ngân hàng chưa?"
Ông ấy nói rằng đã xem rồi. Tôi chợt nhớ đến cảnh lễ tốt nghiệp ở Đại học Oxford mà hôm qua mình vừa chứng kiến khi đến tham quan, và tôi liền nói: "Hôm qua tôi đã mang bản kế hoạch kinh doanh này đến Đại học Oxford. Họ chỉ cần nhìn qua và không nói thêm lời nào mà đã phong luôn cho tôi học vị tiến sĩ quản trị kinh doanh."
Nghe tôi nói vậy, Phó Thống đốc phá lên cười:
"Người có học vị tiến sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Oxford cũng không thể làm được bản kế hoạch kinh doanh như vậy. Ông thật sự là người xuất sắc. Có phải chuyên môn của ông là hài hước không? Trước tiên, chúng tôi sẽ gửi bản kế hoạch kinh doanh cùng với khả năng hài hước của ông sang Ủy ban Bảo lãnh tín dụng xuất khẩu. Chúc ông may mắn."
Bữa trưa kết thúc trong không khí vui vẻ, nhưng điều đó vẫn chưa có nghĩa là chúng tôi đã giải quyết được khoản vay.
Thật sự có người còn "mất trí" hơn cả tôi
Các ngân hàng của Anh khi cho vay vốn thường yêu cầu phải có giấy bảo lãnh của Ủy ban Bảo lãnh tín dụng xuất khẩu của Anh (ECGD). Nếu nước vay tiền mất khả năng hoàn trả khoản vay, ngân hàng sẽ không bị thiệt hại mà Chính phủ Anh sẽ chịu trách nhiệm xử lý. Nếu không có tờ giấy bảo lãnh của ECGD thì không thể vay được tiền từ ngân hàng.
Vượt qua cửa ải này chẳng khác nào con voi chui lọt qua lỗ kim. Thật may, Giám đốc điều hành Ngân hàng Barclays, ông Bennett, đã giúp sắp xếp buổi gặp mặt với Chủ tịch ECGD. Ông Chủ tịch nói với tôi:
"Tôi tin tưởng vào sự thẩm định của công ty kỹ thuật hàng đầu của chúng tôi khi họ công nhận khả năng đóng tàu của Hyundai. Tôi cũng không nghi ngờ gì khi Ngân hàng Barclays, một trong năm ngân hàng lớn nhất thế giới, đã khẳng định rằng Hyundai có đủ năng lực đóng tàu và có khả năng trả khoản vay cả gốc lẫn lãi từ lợi nhuận sau kinh doanh.
Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn một chuyện. Các ông sẽ làm thế nào nếu không có đơn đặt hàng nào từ các chủ tàu? Nếu muốn đặt đóng tàu, không phải tàu cỡ nhỏ mà con tàu có trị giá từ 40 đến 50 triệu đô-la, tôi sẽ chọn một hãng tàu nổi tiếng trên thế giới chứ chẳng bao giờ chọn một công ty chưa từng có kinh nghiệm đóng tàu như Hyundai. Cho dù các ông có đóng được tàu đi chăng nữa, nhưng nếu không có đơn đặt hàng thì ông làm thế nào để trả khoản vay cho ngân hàng? Vì vậy, nếu ông không có gì chứng minh được rằng sẽ có người mua tàu, tôi sẽ không thể phê duyệt khoản vay này."
Tờ tiền giấy trị giá 500 Won với hình vẽ chiếc thuyền rùa |
Quả thật đó là một lập luận hợp tình hợp lý. Liệu có người nào mất trí đến mức chọn một nước nghèo như thế để đặt đóng một con tàu trị giá khoảng 40, 50 triệu đô-la? Hơn nữa, đó lại là một nước chưa bao giờ có kinh nghiệm đóng một con tàu to như vậy. Nếu là tôi, tôi cũng chẳng đời nào làm một việc ngớ ngẩn như vậy.
Chẳng còn biết nói gì hơn, tôi trả lời ngắn gọn: "Vâng, tôi hiểu rồi", và buổi gặp mặt kết thúc ở đó.
Bắt đầu từ ngày hôm đó, tôi bắt tay vào tìm kiếm chủ tàu, tức những khách hàng tiềm năng sẽ mua những con tàu do chúng tôi sản xuất ở cái xưởng đóng tàu hiện giờ chưa tồn tại.
Tôi cầm trên tay tấm ảnh chụp bãi cát trắng hoang sơ với một vài cây thông, những căn nhà lá liêu xiêu bên bờ biển hoang vắng ở cảng Mipo Ulsan và tấm bản đồ khu vực tỷ lệ 1/50.000, cùng với bản thiết kế nhà máy đóng tàu 260 ngàn tấn tôi mượn từ Công ty Scott Lithgow. Đi đâu và gặp ai, tôi cũng nói:
"Nếu anh đồng ý mua tàu của chúng tôi, tôi sẽ vay được tiền từ nước Anh. Với số tiền đó, tôi sẽ xây nhà máy đóng tàu trên mảnh đất này và đóng tàu cho anh."
Kiểu đi chào hàng của tôi hẳn rất giống với kiểu của một người điên.
Tôi đến gặp Chủ tịch của Appledore, ông Longbottom. Nhờ sự giới thiệu của Chủ tịch Longbottom, chúng tôi gặp được "chủ tàu tương lai", một người còn "điên" hơn tôi. Ông ấy là Livanos, em vợ của "Vua tàu biển" Onassis. Livanos cũng là bạn học cùng Trường Trung học Eaton ở Anh với các nhân viên kinh doanh của Công ty Appledore, và họ đã thuyết phục Livanos rằng nếu mua tàu của Hyundai, anh ta có thể mua với giá rất hời.
Livanos đã gửi một chiếc máy bay riêng để đưa chúng tôi đến biệt thự của ông ở Thụy Sĩ. Ở đó, chúng tôi đã ký hợp đồng, nhận đơn đặt hàng hai chiếc tàu chở dầu. Ngày 5 tháng Mười Hai năm 1970, số tiền 1,4 tỷ won được Livanos trả cho chúng tôi bằng ngân phiếu, và ngay lập tức, chúng tôi gửi số tiền này vào Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc. Ngay sau đó, chúng tôi nộp bản hợp đồng với Livanos và giấy chứng nhận tiền gửi ngân hàng cho ECGD.
Khi nhận hồ sơ, họ vô cùng ngạc nhiên và cấp ngay cho chúng tôi giấy bảo lãnh tín dụng mà không nói thêm lời nào. Sau khi chúng tôi nhận được khoản vay từ Ngân hàng Barclays của Anh, việc vay tiền từ các ngân hàng khác ở các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức và Thụy Điển trở nên dễ dàng hơn nhiều.
(Theo "Không bao giờ là thất bại! Tất cả là thử thách")
Sở hữu biệt thự dát vàng, 'ông chủ' thạch rau câu Long Hải thành đại gia nhờ món quà tuổi thơ giá vài chục nghìn
Không chỉ sở hữu một biệt thự, ông Thành còn đang xây thêm một toà lâu đài ước tính trị giá 10 triệu USD (khoảng 230 tỷ đồng).
Theo Cafebiz