Chuyện người đầu tiên tốt nghiệp THPT nơi biên giới, đi 1 tháng mới tới trường
Ở xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, Điện Biên) người ta nói về già làng Pờ Dần Xinh bằng những câu chuyện đầu tiên như: Người Hà Nhì đầu tiên tốt nghiệp phổ thông, có con tốt nghiệp đại học đầu tiên và là người có công đầu mang con chữ phổ cập đến vùng bản làng ngã ba biên giới Sín Thầu.
Hành trình mười năm vượt đèo đi học
Sín Thầu những năm 60 của thế kỷ trước qua lời kể của ông Pờ Dần Xinh là vùng đất nghèo khó nhất tỉnh. Bố của ông Xinh là cụ Pờ Pó Chừ (một trong những đảng viên đầu tiên của Sín Thầu) đau đáu việc đưa bằng được con chữ về với bản làng, để xóa cái nghèo.
Tất cả tâm huyết đó, cụ Pờ Pó Chừ gửi gắm vào cậu con trai Pờ Dần Xinh (13 tuổi).
"Đồng niên của tôi lúc ấy có 37 người đi học. Nhưng ngay kì nghỉ hè đầu tiên, số ở lại học ngoài tôi chỉ còn vài người. Thấy bạn bè bỏ học tôi cũng từng có ý định từ bỏ việc học nhưng câu nói của bố về con đường đổi đời duy nhất chỉ có đi học đã giúp tôi trở lại trường", ông Xinh kể.
Ông nhớ lại: "Ngày đó, Mường Nhé gần như chỉ có đường rừng, cách duy nhất để đến trường là đi bộ. Từ nhà đến trường nội trú tỉnh là gần 300km, mờ sáng tôi dắt một ít xôi và lộ phí rồi phía trước tôi là hơn 10 ngày đi bộ ròng rã", ông Xinh bồi hồi nhớ lại.
Không chỉ mệt vì trải qua quãng đường dài, con đường đến với con chữ của ông Xinh còn trải qua các con suối nước cuộn chảy sau mưa, là băng rừng, vượt đèo, là nghe bên tai tiếng thú rừng rình rập... Mỗi một lần về rồi quay lại trường phải mất cả tháng nên gần như suốt mười năm đèn sách ở trường nội trú tỉnh cũng là từng ấy năm ông xa gia đình.
Cột mốc đáng nhớ của ông Xinh và cũng là của vùng đất Sín Thầu là vào năm 1983 - cậu thanh niên Hà Nhì ở tuổi 23 đã trở thành người đầu tiên cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp phổ thông.
"Ngày cầm bằng tôi bật khóc vì sung sướng. Nhờ học được con chữ, suy nghĩ của tôi cũng thay đổi, tôi muốn mang những kiến thức học được để sớm ứng dụng với chính nơi mình sinh ra như một cách để trả ơn", ông Xinh xúc động kể lại.
Ở Sín Thầu, dòng họ Pờ là dòng họ thành đạt nhất trong cộng đồng người Hà Nhì và gia đình ông Pờ Dần Xinh là gia đình góp phần làm rạng danh dòng họ. Sở dĩ nói vậy là bởi, gia đình ông Xinh có 3 thế hệ là đảng viên từ ông Pờ Pó Chừ, đến ông Xinh và sau đó là con trai ông Xinh - anh Pờ Hùng Sang từng là Bí thư Huyện đoàn và nay là huyện ủy viên, Bí thư đảng ủy xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé.
"Từ lời bố động viên theo việc học, tôi nhận ra và định hướng các con theo việc học. Thế hệ sau vươn xa hơn thế hệ đi trước. Từ việc bố là người biết con chữ đến tôi tốt nghiệp phổ thông và con trai tôi là người đầu tiên trong xã cầm trên tay tấm bằng cử nhân đại học", ông Xinh tâm sự.
Ngọn "đuốc" sống giữa cực Tây Tổ quốc
Vì tốt nghiệp phổ thông đầu tiên, ông Xinh được "săn đón" và nhanh chóng được đưa vào bộ máy đoàn thể, chính quyền cấp xã. Từ vị trí Bí thư Đoàn thanh niên năm 1983, 6 năm sau ông làm phó chủ tịch UBND kiêm trưởng công an. Năm 1994, ở tuổi 34 ông Xinh được bầu làm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu rồi đảm nhận chức vụ Bí thư Đảng ủy xã cho đến lúc nghỉ hưu.
Từ một xã bị bủa vây bởi đói nghèo, ma túy, Sín Thầu dưới sự dẫn dắt của ông Xinh và tập thể Đảng ủy xã đã vươn lên thành xã duy nhất có "bốn không" - không người nghiện, không phá rừng, không di cư và không có truyền đạo trái phép.
Nói về những đóng góp của ông Pờ Dần Xinh, bà Pờ Mỳ Lế - Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, cho biết, ông Pờ Dần Xinh kể cả lúc đang công tác hay là lúc nghỉ hưu đều được bà con ví như "ngọn đuốc sống" để bà con học hỏi và noi theo.
"Có thời điểm công tác, ông Pờ Dần Xinh đã hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng trường học. Bởi ông cho rằng mình làm được bà con mới làm và nghe theo, mình làm gương, bà con sẽ yêu thương, quý mến và kính trọng mình", Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu Pờ Mỳ Lế nhớ lại.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, ông Xinh xúc động kể: Đời sống bà con Sín Thầu dần ổn định, kinh tế các gia đình ngày một khấm khá, có những hộ đã mua được xe ô tô, xe máy...
Dù vậy, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện đại, những giá trị văn hóa người Hà Nhì đang bị mai một là điều khiến già làng Pờ Dần Xinh đau đáu.
Ông tâm niệm: "Làm gì để lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của người Hà Nhì, gìn giữ cho các thế hệ con cháu đó là lời trăn trở lớn nhất của tôi".
Nghĩ là làm, không kể ngày đêm ông lại đi khắp các bản làng, gặp gỡ những người già am hiểu về văn hóa Hà Nhì để sưu tầm những câu chuyện kể truyền miệng; những phong tục tập quán tốt đẹp, những câu hát, điệu lý Hà Nhì cổ... tập hợp và hệ thống lại để lưu giữ cho các thế hệ sau này. Ông Xinh cũng là người có công trong việc tìm tòi phục dựng lại nhiều lễ hội, phong tục đặc sắc của người dân tộc Hà Nhì…
Năm 2016, ghi nhận công lao của ông Pờ Dần Xinh, Chủ tịch nước trao tặng ông danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa dân gian vì có công nắm giữ, truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống.
Đề cập đến ông Xinh dưới góc độ người có uy tín tại địa phương, Bí thư huyện ủy Mường Nhé Bùi Minh Hải nhìn nhận: Ông Pờ Dần Xinh là một minh chứng sống động cho vai trò, ý nghĩa lớn lao của già làng, trưởng bản, nghệ nhân có uy tín trong phong trào xây dựng nếp sống mới.
“Ông Pờ Dần Xinh và các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, những người có uy tín trong cộng đồng đã và đang góp phần không nhỏ vào sự chuyển mình đổi thay nơi cực Tây Tổ quốc”, ông Bùi Minh Hải nói.