Chuyện ly kỳ ở miếu thờ sự học cổ nhất Việt Nam
Ngọc phả phát lộ nhờ… cháy
Miếu giáo dục còn có tên cổ được gọi là Thiên Cổ Miếu tọa lạc trên một gò đất cao ở thôn Hương Lan, xã Trưng Vương (Việt Trì, Phú Thọ). Đây chính là vị trí quan trọng thuộc địa phận Kinh đô Văn Lang xưa.
Ông Trương Đình Cáp, thủ từ Thiên Cổ Miếu cho biết, trong làng hiện còn nhiều dấu tích chứng tỏ đây là một vùng từng là trung tâm của sự học xưa kia.Cũng theo ông Cáp, trước những năm 1990 Thiên Cổ Miếu cũng chỉ là một ngôi miếu thờ bình thường.
Thậm chí, chẳng mấy ai đoái hoài đến vì tình trạng cũ nát. Nhiều người còn không biết miếu đó thờ ai và có lịch sử như thế nào. Chỉ thi thoảng có một vài đoàn khảo cổ đến hỏi thăm về một ngôi miếu thờ sự học, nhưng tất cả đều lắc đầu không biết.
Năm 1990, giữa đêm đông mưa phùn gió bấc, không hiểu nguyên nhân gì mà cổ miếu ngùn ngụt bốc cháy. Dân làng thấy thế mới hò nhau dập lửa vì sợ lan sang các vùng xung quanh. Kiểm tra các vật thờ bên trong, người ta đã phát hiện ra một cuốn ngọc phả và sắc phong nhưng đã bị chém lẹm một góc.
Thiên Cổ Miếu tọa lạc trong địa phận kinh đô Văn Lang xưa. |
Khi các chuyên gia khảo cổ vào cuộc mới ngỡ ngàng phát hiện đó chính là cuốn ngọc phả và sắc phong cổ. Nội dung ngọc phả có ghi chép rất tỉ mỉ rõ ràng về nhân vật được thờ trong miếu. Thiên Cổ Miếu mấy nghìn năm trước được dựng lên để thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang cùng vợ là Nguyễn Thị Thục.
Bản ngọc phả được viết vào năm Hồng Phúc thứ 2 (1573) đời vua Lê Anh Tông, do Đông Các học sĩ Nguyễn Bính biên soạn như sau: Vào thời Hùng Duệ Vương, ở đất Mộ Trạch có vợ chồng Vũ Công, thuộc gia đình có học.
Cha mẹ mất sớm, cảnh nhà sa sút, hai người lần tìm về đô thành Phong Châu, tới thôn Hương Lan mở lớp dạy học. Dân làng đã cấp cho họ ruộng đất để trả công dạy dỗ.
Vợ chồng Vũ Công sinh hạ được một người con trai là Vũ Thê Lang. Lớn lên, Vũ Thê Lang tìm về người bạn cũ của bố là Nguyễn Công ở đất Đông Ngàn – Kinh Bắc.
Nguyễn Công đã gả cho Thê Lang người con gái yêu của mình là Nguyễn Thị Thục – một cô gái nết na, thạo nghề tơ tằm canh cửi. Khi cha chết, Vũ Thê Lang tiếp tục thay cha dạy học, Thục Nương giúp dân nghề nông trang, canh cửi.
Tiếng lành đồn xa, nhờ học vấn cao và tận tụy với nghề, sống giản dị và mẫu mực nên ông giáo Vũ Thê Lang được vua Hùng thứ 18 giao cho chăm nom việc học hành của hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa.
Tượng thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang. |
Mộ cổ dưới ban thờ
Rất nhiều năm sau khi biết Thiên Cổ Miếu là nơi thờ sự học đầu tiên và cổ xưa nhất Việt Nam, các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ đã lần theo những giả thiết và tìm được tài liệu do người Pháp điều tra về hệ thống đình, đền, miếu mạo còn lưu trữ lại ở Viện Hán – Nôm.
Bản điều tra cho thấy toàn miền Bắc và miền Trung có hơn 40 đền thờ các thầy cô giáo và các học trò thời trước Hán, tức từ thời Hùng Vương đến thời An Dương Vương.
Soi lại những chứng tích sót lại trong Thiên Cổ Miếu và đặc biệt từ cuốn ngọc phả, các nhà nghiên cứu và các nhà khảo cổ đã tìm thấy danh sách 18 thầy giáo thời Hùng Vương.
Đây là lực lượng tạo ra hiền tài cho các vua Hùng và nhà nước Văn Lang xưa.Trong danh sách đó, nổi bật có thầy Lý Đường Hiên, thời Hùng Vương thứ 6 dạy học ở Yên Vĩ, huyện Hoài Nam, phủ Ứng Thiên, đạo Sơn Nam (nay là Ứng Hòa, Hà Nội).
Người thứ hai là thầy Lỗ Công, thời Hùng Vương thứ 9 là cháu ngoại vua Hùng Định Vương dạy học tại Kinh đô Văn Lang.
Hai ngôi mộ của vợ chồng Vũ Thê Lang. |
Theo tìm hiểu của TS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương: “Cho đến nay vẫn còn những đền thờ của các thầy giáo và học trò của họ ở khắp miền Bắc. Ví như đền thờ Hải Đường tiên sinh ở huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu; đền thờ Trương Sơn Nhạc, học trò thầy Lỗ Đường tiên sinh ở Thuận Thành (Bắc Ninh)”.
Cũng theo ông Tuấn, Thiên Cổ Miếu xưa kia gần như là một “miếu chủ” thờ người thầy giáo tài đức nhất ở Kinh đô Văn Lang. Ngày nay, ý nghĩa đó đang được khơi dậy khi nhiều người coi đây là chốn về thể hiện sự tôn sư trọng đạo.
Dù rất nhiều tài liệu quý về Thiên Cổ Miếu đã bị mất mát nhưng vẫn có những bằng chứng thuyết phục chứng minh sự tồn tại lâu đời của cổ miếu này.
Từ cuốn ngọc phả và sắc phong đó, người ta phát hiện chính giữa ban thờ Thiên Cổ Miếu là hai ngôi mộ của vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang – Nguyễn Thị Thục.
Một số cuộc họp bàn muốn khai quật hai mộ cổ này, nhưng theo ông Cáp là có nhiều sự kiện lạ xảy ra nên không ai dám kinh động đến người thiên cổ nữa.
Cây táu nghìn năm được công nhận cây di sản. |
Hai cây di sản quý
Theo quan sát của chúng tôi, trước Thiên Cổ Miếu có hai cây cổ thụ rất đẹp mắt. Được biết đây là hai cây táu nghìn năm tuổi đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản năm 2012.
Lạ nhất là cây táu phía tay phải miếu cho hoa màu vàng, cây phía tay trái cho hoa màu trắng.Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Loan, Chủ tịch UBND xã Trưng Vương, trong số các cây di sản được công nhận ở nước ta thì 2 cây táu ở Thiên Cổ Miếu được đánh giá là có tuổi đời lâu năm nhất.
Ngoài ra, còn có cây Da Bò (Xoan đào) ở ngoài lăng mộ của 3 con trai thầy giáo Vũ Thê Lang cũng được công nhận là cây di sản. 3 cây cổ thụ cũng là chứng tích chứng minh sự tồn tại thật sự của cổ miếu.
Cũng theo ông Loan, do thời gian quá lâu nên Thiên Cổ Miếu chỉ còn giữ lại được một số cổ vật thời Tự Đức năm thứ nhất gồm hoành phi và câu đối.
Ngoài ra, một số đồ thờ cúng như tượng vợ chồng Vũ Thê Lang, hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa cũng thoát khỏi trận hỏa hoạn năm nào.