Chuyện kể của người đàn bà bị chồng dọa giết khi muốn ly hôn
Trong chương trình truyền hình trực tuyến “khát vọng sống” do Báo Phụ nữ Việt Nam và Đài truyền hình VTC3 tổ chức sáng 15/7, bà Lý Thị Thơm (quê ở Thái Nguyên) hiện đang tạm trú ở Ngôi nhà bình yên (thuộc Hội LHPN Việt Nam) đã chia sẻ câu chuyện của mình khi nghe chuyên gia nói về bạo lực gia đình.
Bà Thơm kể bản thân mình là nạn nhân của bạo lực gia đình đã lâu, nhưng vì con cái, thể diện của mình và anh em bạn bè nên bà không dám nói ra.
Hơn 30 năm nay, bà Thơm cứ sống và chịu đựng sự hành hạ của chồng. Tuy nhiên, bà Thơm chia sẻ càng ngày chồng bà càng quá đáng.
Nhất là khoảng 3 năm gần đây thì chồng bà ngày càng tàn bạo, đánh đập, bóp cổ thậm chí lấy dao dọa chém, giết. Bà Thơm không thể chịu đựng được nữa nên đã tìm mọi cách để bỏ đi.
Nói trong xúc động bà kể “tôi nghĩ mình hy sinh quá nhiều nhưng anh ấy không nghĩ cho tôi. Tôi bỏ trốn 2 lần, nhưng anh ấy thấy tôi có tình thương, tình nhân ái, dễ mủi lòng nên mỗi khi mình đi anh ấy lại tìm cách đưa về”. Nhưng bà cứ trở về thì lại bị đánh thậm tệ hơn.
Ảnh minh hoạ, |
Bà Thơm tìm cách sống ly thân với chồng. Bà xuống Hà Nội tìm việc làm với mong muốn chồng của mình sẽ thay đổi. Nếu chồng bà còn nghĩ về gia đình thì khoảng thời gian ly thân sẽ giúp ông suy nghĩ kỹ.
Lấy kéo đâm vì đòi ly hôn
Chồng bà Thơm bỏ xuống Hà Nội không đi làm tìm bà mấy lần và liên tục với kịch bản gặp gỡ và xin lỗi.
“Tôi thấy thương chồng và tôi tha thứ. Tôi tha thứ đến 3 lần, nhưng anh ấy lại bạo lực cả thể xác, tinh thần và cả tình dục. Nhiều lần tôi muốn tự vẫn nhưng lại nghĩ thương con, thương bố mẹ mình nên thôi. Khi con ốm, tôi về thăm, anh ấy biết nên tìm đến. Khi tôi viết giấy ly hôn thì anh ấy hứa sẽ thay đổi và về chung nhà. Tôi bảo sẽ thử thách 6 tháng, nếu anh thay đổi thì sẽ quay lại sống cho con có cha, có mẹ”.
Bà Thơm đưa ra thời gian suy nghĩ 6 tháng nhưng chồng bà đã không đồng ý. Anh ta đã lấy kéo đâm bà nhưng vì bà đẩy được cái kéo ra nên chỉ bị đâm vào cánh tay. Bà Thơm phải đi cấp cứu ở Bệnh viện. Khi ở viện, chồng bà Thơm lại vào doạ nếu bà báo công an hay ly hôn thì ông ta sẽ giết bà.
Bà Thơm hoang mang vì không biết mình sẽ đi đâu về đâu. Mang thương tích trên người, bị đe doạ, bà lúc nào cũng hoang mang lo lắng.
Bà Thơm có nói chuyện với một cán bộ hội phụ nữ. Lúc đó, bà biết ở Hà Nội có Ngôi nhà bình yên nơi trú chân của những phụ nữ bị bạo hành gia đình. Bà Thơm đã nhờ người đó liên hệ xuống Ngôi nhà Bình yên và bà được trở về đó sống.
Sống trong ngôi nhà đặc biệt với những người có chung cảnh ngộ, bà Thơm tâm sự chị em thân thiện như người trong gia đình. Không những thế, mọi người còn được tư vấn pháp luật, chia sẻ những kiến thức về giới. Bà Thơm đã nhờ đến pháp luật bảo vệ và bà sẽ cương quyết ly hôn để người chồng biết được những hành vi vi phạm của mình.
Chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng: Trong gia đình, mâu thuẫn phải dùng đến bạo lực là do không có khả năng tháo gỡ các tình huống từ cả hai phía.
Các cặp vợ chồng đều đến với nhau bằng tình yêu nhưng chẳng được bao lâu họ lại xảy ra mâu thuẫn. Nhiều người nghĩ do họ chưa tìm hiểu nhau kỹ nhưng ông Bình cho rằng điều này cũng khó mà lường trước hết được, vì khi yêu, trong mắt nhau đều toàn mỹ, hay ho, không dễ gì mỗi người có cơ hội bộc lộ tình trạng xấu xí của mình. Bởi vậy, quá trình chung sống mỗi người phải biết đối thoại, tương tác, cảm hóa lẫn nhau và hoàn thiện chính bản thân mình mới giữ được hạnh phúc gia đình.