Chuyện gửi tinh trùng và nối dõi tông đường
Những ngày qua, câu chuyện sinh con từ tinh trùng của người chồng quá cố được công chúng đặc biệt chú ý. Lần đầu tiên tại VN, hai bé sinh đôi chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng từ người chồng đã chết cách đây 3 năm.
Hai bé song sinh từ tinh trùng của người cha đã quá cố
Câu chuyện về trường hợp của chị Hoàng T.K.D (Khu Đô thị Pháp Vân, Thanh Trì, Hà Nội), mẹ của cặp song sinh kể trên khiến cư dân mạng vô cùng xúc động. Hầu hết các ý kiến đều ngưỡng mộ tình yêu của chị D dành cho người chồng xấu số của mình.
Một bạn trẻ bình luận: "Câu chuyện của chị khiến em rất xúc động. Chị là một người phụ nữ dũng cảm và hết lòng với chồng, chúc chị và các bé luôn khỏe mạnh". "Cảm phục chị Dung về tình yêu dành cho chồng và quyết định sáng suốt của chị. Chúc chị sức khỏe để nuôi dạy các cháu", một bạn khác cũng bày tỏ sự đồng cảm.
Xúc động trước câu chuyện và tình yêu của chị D, một độc giả trung niên cũng chia sẻ: "Cảm phục chị quá, người phụ nữ tuyệt vời vì có tình yêu lớn lao, sự hy sinh và lòng dũng cảm. Tôi đã hơn 60 tuổi rồi nhưng lần đầu tiên thấy người phụ nữ như chị. Cầu trời phật phù hộ cho chị và các cháu, chúc hai cháu bé chóng lớn. Anh ấy sẽ luôn phù hộ cho chị và các cháu. Hãy cố gắng lên để nuôi dạy các cháu chị nhé!".
"Câu chuyện "cổ tích thời hiện đại" cuả em thật cảm động và đáng khâm phục vì nó minh chứng cho một tình yêu bất diệt mà chỉ có em - người phụ nữ can đảm, bản lĩnh phi thường mới dũng cảm làm nên điều kỳ diệu. Xin chúc mừng em! Chúc mẹ con em hạnh phúc!", một bạn đọc cảm thán.
Giữa cuộc sống hiện đại xô bồ, hỗn loạn bởi các giá trị vật chất, tinh thần, rất nhiều bạn trẻ đã coi chị D như tấm gương điển hình cho tình yêu: "Cảm phục chị Dung quá. Ôi tình yêu. Trong khi có người làm sống lại mầm sống người mình yêu thì bao kẻ tiểu nhân đi giết người mình yêu vì bị từ chối".
Nhiều độc giả cũng đánh giá chị D như một hình mẫu lý tưởng của người phụ nữ Việt, như một huyền thoại: "Đây mới chính là người phụ nữ VN chân chính. Chúc gia đình chị luôn mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc chị luôn thành công trong công việc. Chồng chị sẽ luôn phù hộ cho mẹ con chị!"
Nhiều độc giả lại có cái nhìn riêng từ câu chuyện của chị D: "Hai bé sẽ nhớ tới cha mình như một thần tượng vĩ đại. Một câu chuyện cảm động về người vợ và những thiên thần nhỏ", hay "Tiếp tục sự sống của cha là điều mà các bé khi lớn lên sẽ tự hào và hạnh phúc lớn lao nhất. Chúc mẹ con chị khoẻ mạnh".
Chị D hạnh phúc sau ca sinh thành công
Một bạn đọc cũng nhắc nhủ đầy yêu thương tới chị D: "Đấy mới gọi là yêu! Chị can đảm, yêu thương mãnh liệt... và cũng thật bản lĩnh. Dù hoàn cảnh thế nào cũng phải sống tốt, phấn đấu hơn nữa để không gục đầu với số phận. Rồi các con chị sẽ lớn lên, chúng sẽ tự hào và hạnh phúc về điều chị đã làm, phần anh bên kia cũng luôn mỉm cười hạnh phúc vì viên mãn..."
Chia sẻ với PV Infonet về câu chuyện của chị D, PGS.TS XHH Trịnh Hòa Bình đánh giá, đây có thể xem là một tiến bộ của y học, lần đầu tiên việc sinh con từ tinh trùng của người quá cố được thực hiện ở VN đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của một bộ phận người Việt muốn cố kết, duy trì nòi giống con cái. Cũng theo ông Bình, đó là một sự kiện tích cực, đáng mừng của ngành y cuối năm.
Việc một số người băn khoăn về chuyện chị D như thế có quá mạo hiểm không khi sẽ phải làm mẹ đơn thân nuôi cùng lúc 3 đứa con nhỏ chỉ vì muốn thực hiện ước nguyện của chồng, ông Bình cho rằng, mỗi cá nhân sẽ có lựa chọn xuất phát từ tình cảm, nguyện vọng của mình và người thân.
"Lựa chọn thuộc về phía họ, trong trường hợp thách thức quá lớn có thể sẽ không đủ sức vượt qua. Nhưng dẫu sao đó cũng là lựa chọn trong hệ thống pháp luật cho phép", ông Bình nhận định.
Xét ở khía cạnh muốn duy trì nòi giống trong xã hội hiện đại, ông Bình cho rằng, về hình thức, điều này dường như đối nghịch bởi xã hội ngày nay không còn quá coi trọng, đòi hỏi phải nối dõi tông đường như thời phong kiến.
Tuy nhiên, theo ông Bình, việc kế truyền nòi giống theo vinh quang họ tộc ngày nay vẫn có đất tồn tại và chưa bị cấm bởi bất cứ luật lệ nào. Ông Bình cũng cho biết thêm, ngay cả quốc gia văn minh trên thế giới vẫn tồn tại vấn đề duy trì nòi giống, người thừa kế.
"Về góc độ quyền con người, mong muốn của chị D là hiện thực hóa di mệnh của người chồng là việc làm đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, đặt trong thực tiễn hệ thống pháp lý của chúng ta vẫn còn nhiều lỗ hổng như quy định về khai sinh, quyền thừa kế... luật cần bổ sung và cởi mở để phù hợp hơn với sự phức tạp ngày càng tăng của xã hội loài người", ông Bình đề xuất.