"Chuyển giới" vẫn là chủ đề "nóng" khi thảo luận Bộ luật Dân sự sửa đổi
Ngày 15/10, phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận các vấn đề liên quan đến dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Trong đó, có vấn đề về chuyển đổi giới tính.
UBTVQH cho biết, đối với vấn đề chuyển đổi giới tính, nhiều ý kiến không tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc không công nhận quyền chuyển đổi giới tính nhưng người đã chuyển đổi giới tính được thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân kèm theo giới tính mới được chuyển đổi.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về mục đích, nguyên nhân của việc chuyển giới, trường hợp nào được chuyển giới... để tránh lạm dụng. Ý kiến khác đề nghị chưa nên quy định “công nhận việc chuyển đổi giới tính” khi chưa có hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện.
Các cá nhân có quyền xác định lại giới tính và có quyền nhân thân theo giới tính mới (ảnh minh họa) |
Thường trực Ủy ban pháp luật đưa ra quan điểm: Do việc chuyển đổi giới tính kéo theo nhiều vấn đề xã hội phát sinh, chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội..., nên để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho tách việc chuyển đổi giới tính thành một điều riêng.
Điều 36 của dự thảo Bộ luật này giữ nguyên quy định về quyền xác định lại giới tính: Cá nhân có quyền xác định lại giới tính; Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính; Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có trách nhiệm đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã có riêng một điều khoản mới quy định về vấn đề chuyển đổi giới tính tại điều 37: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.