Chuyên gia Kinh tế World Bank: Việt Nam có vị thế khá "chắc chân"
Trong Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới công bố, WB đánh giá, tăng trưởng của Việt Nam giảm đà xuống mức 5,9% trong ba quý đầu năm, chủ yếu do tác động của hạn hán đến sản lượng nông nghiệp, sản lượng dầu thô bị cắt giảm và sức cầu bên ngoài chững lại.
Dự kiến tăng trưởng GDP trong năm 2016 của Việt Nam đạt 6%. |
Theo WB, môi trường toàn cầu chưa khởi sắc, khôi phục với tốc độ chậm. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn ổn định nhờ nhu cầu trong nước cao và ngành sản xuất chế tạo chế biến định hướng xuất khẩu. Dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2016 của Việt Nam đạt 6% (năm 2015 là 6,7%).
Với kỳ vọng kinh tế toàn cầu đi lên, viễn cảnh tăng trưởng của Việt Nam có thể được nâng lên tới 6,3% trong năm 2017- 2018. Lạm phát cũng sẽ ở mức vừa phải, dự kiến không vượt chỉ tiêu chính thức là 5%.
"Ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam là môi trường thuận lợi để các nhà hoạch định chính sách đẩy mạnh tái cơ cấu. Đây là điều kiện thiết yếu để tiến tới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất. Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, vừa được Quốc hội thông qua, sẽ xử lý được một số bất cập phát sinh trong quá trình tăng trưởng kinh tế", ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết.
Trả lời về việc Tổng thống mới đắc cử của Mỹ - Donald Trump dọa rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tác động như thế nào về tăng trưởng và cải cách của Việt Nam, ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng, TPP sẽ không ảnh hưởng, gây tác động lớn đến kinh tế Việt Nam trong trung hạn.
Ông cho biết, Việt Nam là một trong những nước sẽ hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định này. Các nước khác cũng kỳ vọng vào TPP. Tuy nhiên Việt Nam là nước có quan hệ thương mại sâu rộng, Việt Nam không quá phụ thuộc nhiều vào TPP.
Với nền kinh tế đang mở cửa, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và đang đặt điều kiện cho Việt Nam phải cải tổ kinh tế để hội nhập toàn cầu.
“Việt Nam vẫn có các yếu tố đảm bảo tăng trưởng như nhu cầu trong nước, xuất khẩu… Nhìn chung, Việt Nam có vị thế chắc chân và đa dạng về thương mại”, ông Sebastian Eckardt cho hay.
Tại buổi công bố báo cáo, các chuyên gia cũng chỉ ra thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Đó là thâm hụt ngân sách, bội chi, cải cách doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu…
Cụ thể, bội chi ngân sách ở mức cao và đang diễn ra trong nhiều năm gần đây. Những áp lực tài khóa kéo dài đòi hỏi phải có hành động kiên quyết. Bội chi ngân sách bình quân ở mức 5,5% GDP trong những năm qua, dẫn đến nợ công tăng cao. Nợ công thời gian qua tăng nhanh và đang tiến sát đến ngưỡng Quốc hội cho phép là 65% GDP.
Cơ quan này dự báo tỷ lệ này năm nay là 64,6% và năm 2017 là 65,2%.
Trong khi đó nhu cầu huy động vốn trung hạn cho ngân sách bao gồm cả nhu cầu trả nợ ngắn hạn trong nước lại rất lớn và chi trả lãi suất đang tăng lên. Hơn nữa khả năng tiếp cận vốn ưu đãi của nước ngoài lại bị thắt chặt.
WB cũng cho biết, thành quả kinh tế vừa qua phần nào có được do tăng trưởng tín dụng cao và chính sách tài khóa hỗ trợ, có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế trong ngắn hạn nhưng nếu kéo dài sẽ làm gia tăng rủi ro tài khóa và tài chính trong trung hạn.
Tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam hiện gấp đôi tăng trưởng GDP. Điều lo ngại là những tín dụng đó sẽ chảy đi đâu, liệu có chảy vào những lĩnh vực sản xuất có lợi cho nền kinh tế hay lại chảy vào ngành mang tính chất đầu cơ như bất động sản.
Cải cách doanh nghiệp nhà nước có tiến triển nhưng cần chuyển đổi trọng tâm sang chiều sâu. Nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng thoái vốn cổ phiếu thiểu số gây hạn chế sự tham gia của khu vực tư nhân.
WB cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang ở giữa ngã ba đường. Mặc dù nông nghiệp đã đạt được những thành tựu to lớn trong thập kỷ qua về năng suất và sản lượng nhưng hiện đang có quan ngại về chất lượng và sự bền vững của tăng trưởng nông nghiệp.