Chuyên gia: "Đẳng cấp" quản lý của TP.HCM không phù hợp với một "siêu đô thị"
TS Trần Đình Thiên (bên trái ảnh) trao đổi với ông Đinh La Thăng tại hội nghị. |
Chiều ngày 9/3 UBND TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Các vấn đề phát triển TP.HCM - cơ chế, chính sách đột phá”. Nêu ý kiến tại đây, TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam cho rằng TP.HCM là một siêu đô thị, đầu tàu dẫn dắt cả nước phát triển. Chính vì vậy Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị đã ra đời với mục đích tạo ra không gian cho TP có cơ hội bứt phá.
Tuy nhiên trên thực tế, cho đến nay tinh thần của Nghị quyết chưa được thực hiện đầy đủ, thậm chí còn có thêm những cản trở, do đó TP dù vẫn tăng trưởng nhưng còn chậm so với tiềm năng, vì vậy TP cũng chưa làm tròn sứ mệnh của một “đầu tàu”.
Theo TS Thiên TP đang đối mặt với những điểm nghẽn lớn như ùn tắc giao thông, ngập nước, ngân sách khó khăn, dân số quá tải… trong khi nhiều lợi thế lớn về vị trí địa lý, nguồn vốn… chưa được phát huy, thậm chí còn lãng phí.
Đồng quan điểm này, TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cũng nhận định các vấn đề trên là nút thắt cản trở TP.HCM phát triển. Ông nhấn mạnh rằng để giải quyết các vấn đề và đưa TP thu hẹp khoảng cách với khu vực thì cần có cơ chế đột phá.
Một trong những bước đột phá đó là TP phải kết nối được khu vực công nghiệp – Đông Nam Bộ và khu vực nông nghiệp – Tây Nam Bộ, ông coi đây là hai sải cánh để phát triển, đồng thời cũng nhận định rằng có 4 nguyên nhân là nguồn lực – thể chế – chiến lược và cải cách, đang khiến hiện thực của TP cách khá xa tầm nhìn.
Trong khi đó, TS Vũ Tuấn Anh - Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng dù có điều chỉnh nhưng hệ thống quản lý của TP.HCM vẫn không thể phù hợp với quy mô của TP hơn 10 triệu dân. Theo ông “đẳng cấp quản lý phải hoàn toàn khác” bởi không thể quản lý một siêu đô thị theo nguyên lý của một tỉnh miền núi.
Cũng nêu lên những bất cập trong vấn đề này, PGS – TS Võ Trí Hảo – Giảng viên trường ĐH Kinh tế chỉ ra rằng hiện nay dân số một phường của quận Tân Phú đã đạt hơn 100.000 người, con số này có thể bằng 3 huyện của 1 tỉnh khác cộng lại nhưng bộ máy quản lý vẫn chỉ là cấp phường.
“Đây là điều rất bất hợp lý vì bộ máy hành chính không theo kịp thực tế” – ông nói.
TS Trần Du Lịch phát biểu. |
Tại phần đóng góp ý kiến, TS Trần Du Lịch nhắc lại ý tưởng về đề án “Chính quyền đô thị”. Theo ông ngay từ năm 2002 TP.HCM đã đặt vấn đề không cạnh tranh với các tỉnh trong nước nữa, mà phải ngang bằng với các thành phố trong khu vực như Bangkok, Kuala Lumpur.
“Đến năm 2007 thì TP xây dựng đề án chính quyền đô thị, nhưng đến nay chưa làm được” – ông Lịch cho hay và đề nghị TP thực hiện lại đề án này, bởi đó là cách để đột phá, trong đó quan trọng nhất là có cơ chế phân cấp giữa trung ương và địa phương.
Là ĐBQH nhiệm kỳ vừa qua TS Lịch khẳng định cơ sở pháp lý đã “mở” để TP thực hiện. Ông thừa nhận rằng nếu không xây dựng được mô hình này thì TP rất khó phát triển, bởi cách quản lý hiện nay chồng chéo, nhiều cơ quan làm 1 việc nên khó quy trách nhiệm.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng trò chuyện với các đại biểu lên lề hội nghị. |
Tổng kết lại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cảm ơn những ý kiến đóng góp rất có giá trị của các chuyên gia, nhà khoa học tham dự.
Theo ông, mục đích của buổi hội thảo là nhằm tìm ra được cơ chế phù hợp với quy mô và tốc độ phát triển của TP.HCM.
Tuy nhiên ông cho rằng không nên đặt vấn đề theo cách so sánh thu ngân sách giữa TP.HCM với các tỉnh khác vì mỗi địa phương có nhiệm vụ và đặc điểm riêng, và những điều này không thể nói bằng tiền.
Đề cập đến Nghị quyết 16, ông Thăng nhấn mạnh rằng TP.HCM sẽ “vì cả nước, cùng cả nước”, và cố gắng tận dụng hết những gì Bộ Chính trị cho phép để thực hiện thí điểm các vấn đề mới phát sinh tại đây.