Chuyện đời nơi cổng viện: Kẻ "chặt chém", người làm từ thiện
Mua nước ở cổng viện đắt gấp 3 lần nơi khác
Ông Nguyễn Văn Toàn (Hưng Nguyên-Nghệ An) trải chiếc chiếu nhỏ nằm ở trước bậc tam cấp lên Viện K. Khuôn mặt nhợt nhạt và đau đớn, ông chờ tới lượt khám của mình.
Ông Toàn đang nằm chờ bác sĩ hẹn khám. Ảnh: Du Nghĩa |
Người nhà ông Toàn là ông Tiến cho biết, đã 3 lần chuyển bệnh viện từ BV Ba Lan (Nghệ An) sang Việt Đức (Hà Nội) và mới chuyển sang BV K sáng nay. Chẳng có ai thân thích, mới ngày đầu ra Hà Nội thì thuê trọ ở gần Ga Hà Nội (1 ngày 1 đêm với giá 360.000 đồng). Có số tiền ít ỏi gom góp đi chữa bệnh nhưng phòng trọ không đảm bảo an ninh, sinh hoạt cũng không được tốt mà giá lại đắt đỏ làm hai anh em thêm lo lắng.
Ông Tiến cho biết: “Khi nhận được thông báo của bệnh viện K sẽ thăm khám cho người nhà tôi nên hai anh em đã trả phòng và bắt taxi đến Viện K. Đến đây thì bác sĩ lại hẹn đầu giờ chiều nên tôi mua cho chú em chiếc chiếu trải xuống cho chú ấy nghỉ chứ kiệt hết sức rồi. Ốm đau đi viện mà không có tiền khốn khổ vô cùng, bạ đâu phải nằm đó thôi”- Ông Tiến lo lắng cho biết.
Dưới bãi đất bên góc bệnh viện, chị Phạm Thị Lành (Tiền Hải-Thái Bình) cũng trải tấm chiếu nhỏ để nằm. Chồng chị mắc bệnh ung thư thực quản, mới chuyển lên bệnh viện K được 3 ngày. Do 1 giường chỉ cho phép 2 người bệnh nên chị đành ra ngoài hiên trải chiếu ngủ cho đỡ mệt để còn lấy sức chăm chồng trong những ngày tới đây.
Chị Lành kể, những dịch vụ quanh bệnh viện khá đắt đỏ, mỗi lúc ra ngoài mua nước sinh hoạt, nước uống với giá đắt gấp 3 so với các chỗ khác. Nghĩ xót tiền nhưng cũng phải cắn răng mà mua chứ không biết làm sao. Đã khổ vì bệnh tật rồi bây giờ lại còn khổ với hàng trăm thứ khác, cái gì cũng đắt đỏ “đúng là đã nghèo lại còn mắc phải cái eo?”- Chị Linh ngậm ngùi.
Mẹ ốm con tật nguyền
Nguyễn Thị Lương 58 tuổi (Thôn Vĩnh La- Xã Đông Ích - Huyện Lập Thạch-Vĩnh Phúc) thấy nổi 13 cái u, đi khám thì bác sĩ cho biết đã bị ung thư di căn. Ban đầu bà Lương dấu con, không muốn điều trị nhưng sau đó anh em biết nên bắt đi viện. Để mổ, truyền hóa chất, xạ trị, bà phải vay nợ, vay ngân hàng để có tiền điều trị.
Bà Lương đang chờ đến lượt vào xạ trị. Ảnh: HK |
Bà Lương buồn rầu kể: “Cuộc sống bây giờ gắn với bệnh viện, hiện nay không làm được gì. Nhiều người có tiền thuê trọ thì còn thuê được phòng có điều hòa, còn tôi không có tiền thì chỉ thuê chỗ ngủ, mỗi ngày 30 nghìn, chỉ đặt đúng được cái lưng xuống sàn. Tối đến cả vài chục người bệnh nằm trên một sàn nhà. Lúc nóng quá không thể nào ngủ nổi.”
Nhiều người có chồng đi cùng, nhưng bà Lương chỉ một mình. “Chồng còn phải ở nhà chăm đứa con tật nguyền, ăn nằm 1 chỗ, nên vất vả lắm. Tôi có con muộn, giờ chỉ có hai bố con ở nhà chăm nhau. Mỗi đợt tôi đi xạ trị phải cả tháng mới về, thương bố con ở nhà lắm nên không biết làm sao. Giờ có bệnh thì cũng phải cố gắng chạy chữa thôi. Tôi xuống khoảng hơn 1 tháng mới về, cứ phải đi lại thường xuyên”- Bà Lương rơm rớm nước mắt khi được hỏi về chồng con.
Ôm chiếc cặp lồng đứng chờ lấy suất cơm từ thiện cho vợ, ông Chùm Thạch (quê ở Vĩnh Bảo- Hải Phòng) với đôi mắt buồn rầu cho biết, vợ bị ung thư vú, đang xạ ở trên kia, cả hai vợ chồng lên đây 9 tháng nay rồi và rất mệt mỏi. Phải thuê ngoài 2,4 triệu đồng/tháng, từ Tết đến nay họ đã vay nợ tổng cộng 150 triệu rồi.
Ông Thạch tâm sự, may mà mỗi ngày còn có suất cơm từ thiện nên đỡ hơn nhưng chỉ có tiêu chuẩn một người thôi, lấy cơm cho vợ xong thì phải ra ngoài mua và ăn sau. Do đó, mỗi bữa ông cũng chỉ ăn chút gì qua quýt rẻ tiền để sống qua ngày còn chăm vợ.