Chuyện “CSGT đuối lý” lan truyền trên Facebook và góc độ pháp lý

Gần đây, trên Facebook lan truyền rất mạnh mẽ câu chuyện một người phụ nữ tranh luận với CSGT. Dù người kể không chỉ ra địa chỉ con người cụ thể nhưng câu chuyện thực sự là bài học đáng lưu tâm đối với người tham gia giao thông.

Chuyện “CSGT đuối lý” lan truyền trên Facebook và góc độ pháp lý - ảnh 1
CSGT đang làm nhiệm vụ (Ảnh: Xuân Hải)


Để có cái nhìn sâu hơn về góc độ pháp lý xung quanh câu chuyện thú vị này, PV Infonet đã có bài phỏng vấn Luật sư Hoàng Cao Sang, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM).

Không thể giữ mãi tâm lý "xin- cho" khi gặp CSGT

Gần đây cư dân mạng lan truyền một câu chuyện người dân "đối phó" với CSGT, khiến CSGT đuối lý, quan điểm của luật sư thế nào?

Tôi nghĩ việc làm của các cơ quan nhất là những cơ quan thực thi pháp luật đều phải được sự giám sát của người dân. Có sự giám sát, hiểu biết pháp luật thì việc thực thi pháp luật mới công bằng, minh bạch, công khai...

Chúng ta bấy lâu bị tâm lý “xin- cho” đè nặng. Hễ cứ bị CSGT dừng xe là xin xỏ, nhã nhặn... kiểu như: “Bác châm chước”, “Bác thông cảm”.... Vì thực tế có nhiều trường hợp tỏ ra “biết luật” liền bị xử lý mạnh tay hơn, xử lý nhiều lỗi hơn. Chính vì vậy, tâm lý này ngày càng nặng nề.

Chính vì vậy, khi một ai đó “dám đấu lý” với CSGT hay một cá nhân thực hiện mệnh lệnh hành chính nào đó thì đã trở thành một hiện tượng gây chú ý. Câu chuyện mà mọi người lan truyền trên mạng không biết đúng hay sai, có thật hay không có thật nhưng nó thực sự là những câu chuyện đáng lưu tâm về việc phá bỏ “tâm lý xin-cho” giữa công dân và cá nhân, tổ chức thực thi pháp luật.

Luật sư đồng tình với nhân vật người dân trong câu chuyện “tranh luận với CSGT”?

Tôi rất đồng tình. Xã hội công bằng, văn minh là xã hội người dân đều hiểu biết pháp luật và giám sát sự thực thi pháp luật của cơ quan hành chính Nhà nước. Công bằng ở chỗ phải coi pháp luật làm thước đo các hành xử. Không phân biệt cá nhân thực thi mệnh lệnh hành chính với công dân phải chịu tác động của mệnh lệnh hành chính về ngôi thứ và quyền được phát biểu. Có nghĩa là, nếu cá nhân, cơ quan tổ chức thực hiện mệnh lệnh hành chính nếu làm sai vẫn phải chịu sự giám sát, lên án của người dân.

Tôi thấy nhân vật trong câu chuyện này đã rất dũng cảm khi chỉ ra những điều chưa hợp lý của CSGT. Ví dụ tác phong điều lệnh. Theo quy định, CSGT phải chào công dân sau khi dừng xe và thông báo lý do dừng xe. Người CSGT trong câu chuyện này đã chưa thực hiện đúng điều lệnh khi dừng xe. Việc người dân yêu cầu thực hiện điều lệnh là đương nhiên vì khi anh bắt lỗi người khác thì bản thân anh phải không có lỗi. 

Chuyện “CSGT đuối lý” lan truyền trên Facebook và góc độ pháp lý - ảnh 2
Một đoạn câu chuyện "tranh luận với CSGT" lan truyền trên mạng.

Luật sư nghĩ sao khi mới đây, một vị Cục phó Cục CSGT Đường bộ- Đường sắt phát biểu: “CSGT chỉ cần chào công dân lịch sự, không chào những người vừa xuống xe đã hỏi “mày chào tao chưa”?

Thế nào là người lịch sự? Có cần phải ra văn bản về người lịch sự khi ứng xử với CSGT không? Mặt khác, pháp luật không phân biệt điều này. Người thực thi pháp luật phải tuân theo pháp luật, không nên phân biệt chi tiết đến mức “chẻ sợi tóc làm tư” gây khó cho CSGT và người dân. Vô hình trung lúc đó CSGT phải nhớ trong dầu là hành vi của công dân này đã lịch sự chưa, mình nên chào hay không nên chào?

Còn người dân khi không được chào cũng phân vân mình đã lịch sự chưa và theo tiêu chuẩn nào. Đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân, còn luật vẫn là luật, ý kiến cá nhân không thể thay luật được. Trong trường hợp người dân không lịch sự mà người làm nhiệm vụ vẫn tuân thủ điều lệnh “chào” thì tôi nghĩ hình ảnh của người CSGT sẽ rất đẹp, người dân càng nể trọng, chứ đừng nói theo kiểu anh mất lịch sự tôi cũng mất lịch sự thì hóa ra người thực thi pháp luật cũng “ăn miếng trả miếng” sao?

Tôi nói như vậy phải ngoại trừ trường hợp người vi phạm có biểu hiện chống đối. Nếu có biểu hiện chống đối, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của CSGT thì lúc đó không thể thực hiện theo điều lệnh là đương nhiên.

Người dân yêu cầu thông báo lỗi là đương nhiên

Vậy nhân vật trong câu chuyện “đối phó với CSGT” yêu cầu CSGT thông báo lỗi trước khi giao giấy tờ có đúng không?

Đúng. Theo khoản 1 điều 14 Thông tư 65/2012/TT-BCA của Bộ Công an, có 5 trường hợp CSGT được dừng phương tiện để kiểm soát gồm các trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất, trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;

Trường hợp thứ hai, thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;

Trường hợp thứ 3, thực hiện kế hoạch, phương án công tác của Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ theo chuyên đề;

Trường hợp thứ 4, có văn bản của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự;

Trường hợp thứ 5, tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Thông thường, trước khi kiểm tra giấy tờ của công dân, CSGT phải cho biết lý do dừng phương tiện đang lưu thông. Lý do sẽ là 1 trong 5 trường hợp kể trên. Nếu việc dừng xe là trường hợp thứ nhất (trực tiếp phát hiện lỗi hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện), CSGT có trách nhiệm phải thông báo lỗi cho người vi phạm biết.

Như vậy người dân khi bị dừng xe cần yêu cầu CSGT thông báo lỗi trước khi đưa giấy tờ cho CSGT?

Đó là quyền của công dân và nghĩa vụ của CSGT. Việc thông báo lý do dừng xe còn đảm bảo sự minh bạch trong xử lý vi phạm luật giao thông. Mặt khác, ý nghĩa của việc xử phạt vi phạm Luật Giao thông chính là tính răn đe, giáo dục. Chúng ta không thể giáo dục nếu chỉ có phạt mà không cho người bị phạt biết lý do. Biết lý do, người bị phạt sẽ sẵn sàng chấp hành quy định đồng thời sẽ coi đó là bài học để không tái phạm lỗi này nữa.

Thế còn đòi hỏi xem bằng chứng về lỗi của mình thì sao?

Tại điểm d khoản 2 điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì  “Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính”.

Như vậy, việc công dân yêu cầu người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính chứng minh lỗi là hoàn toàn hợp pháp. Phải chứng minh được lỗi của người vi phạm, người có thẩm quyền mới có quyền ra quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

b) Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;

c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm;

đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;

e) Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

2. Nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính bao gồm:

a) Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96 của Luật này;

b) Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phải được tiến hành theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

c) Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

d) Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
(Trích Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012)

Trong câu chuyện, việc lỗi chạy vượt quá tốc độ thường phải có sự ghi nhận kiểm chứng bằng phương tiện kỹ thuật. Nếu không có bằng chứng đương nhiên không thể xử lý người vi phạm. Tuy nhiên, trên mạng còn có cuộc “đấu lý với CSGT” vì những lý do đơn giản như đè vạch, sai làn... nếu không có bằng chứng thì ai “cãi cùn” người ấy thoát sao?

Câu hỏi này khá thú vị. Đúng là nhiều lúc CSGT cũng luống cuống khi dân hỏi bằng chứng, phải giải thích một hồi rất dài mà chẳng đi đến đâu. Điều này rất cần trang bị cho CSGT nhiều phương tiện để thực thi nhiệm vụ hơn. Đồng thời phải đòi hỏi CSGT sử dụng nhiều hơn các phương tiện kỹ thuật. Không nên chỉ dùng mắt thường quan sát rồi cuối cùng “đuối lý” khi không có bằng chứng.

Một ví dụ về việc "tranh cãi" giữa CSGT với người vi phạm (nguồn: Youtube):

Ngoài ra, tôi ủng hộ việc tăng các biện pháp “phạt nguội” để tránh tình trạng “xin-cho”, nể nang. Mà việc phạt nguội sẽ do các phương tiện ghi lại hình ảnh khách quan, rõ ràng. Tất cả các chủ phương tiện đều phải tuân thủ pháp luật ở bất cứ trường hợp nào, không phân biệt thân quen, địa vị hay công việc. Nhiều khi có tâm lý cứ thấy có CSGT thì người dân tuân thủ luật, không có lại đâu vào đấy. Đó cũng là điều khó khăn với vấn đề an toàn giao thông ở Việt Nam chăng(?).

Xin cảm ơn luật sư!

Hồng Chuyên (thực hiện)

Đề xuất miễn visa cho khách thị trường trọng điểm

Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất miễn thị thực nhập cảnh đối với khách ở các thị trường trọng điểm như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia.

Khách nhiễm Covid-19 cố tình giấu bệnh lên máy bay có thể bị cấm bay vĩnh viễn

Trước khi lên máy bay khách có xét nghiệm xác nhận bị nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo trung thực có thể bị Vietnam Airlines cấm bay vĩnh viễn trên các chuyến bay của hãng.

VOV bổ nhiệm Phó giám đốc đài truyền hình kỹ thuật số VTC

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã quyết định bổ nhiệm ông Lương Minh Đức giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, đồng thời tái bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Bình tiếp tục giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Sáng 18/ 2, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tổ chức họp đoàn kiện toàn chức danh Trưởng đoàn.

Bộ TT&TT điều động và bổ nhiệm 13 cán bộ lãnh đạo chủ chốt

Nhận định lần trao các quyết định giao nhiệm vụ quy mô lớn này là một sự kiện lịch sử của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với vị trí, nhiệm vụ mới, 13 cán bộ lãnh đạo các đơn vị sẽ có năng lượng mới để đóng góp tốt hơn cho Bộ, đất nước.

Tọa đàm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng CSVN với sự nghiệp văn hóa-VHNT VN

Buổi tọa đàm với diễn giả là GS. Phong Lê - Nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, diễn ra lúc 9h00 ngày 03/02/2020 tại Tầng 1 Tòa nhà chính Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội.

Đắk Lắk: Bệnh nhân bị đồn nhiễm virus corona là một tiếp viên hàng không

Liên quan đến thông tin trên mạng xã hội cho là "có người nhiễm corona tại Đắk Lắk", sáng 28/1, lãnh đạo BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết, có một bệnh nhân bị sốt đang được điều trị tuy nhiên chưa thể kết luận có nhiễm virus corona hay không.

Đà Nẵng: Xuân 2020 hướng tới 22 dự án với tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ USD

Các cơ quan hữu quan của Đà Nẵng đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án đang xúc tiến để tại “Tọa đàm Mùa xuân 2020” có thể hướng tới 22 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn khoảng 1,715 tỉ USD

Tân Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn

Sáng nay 20/1, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao quyết định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bổ nhiệm Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội cho ông Nguyễn Hồng Sơn.

Bổ nhiệm Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông giữ chức Giám đốc Công an Lâm Đồng

Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng

Đang cập nhật dữ liệu !