Chuyện "ai cũng được phạt báo chí": Các nhà báo gửi 3 kiến nghị
Hôm nay, ngày 24/2/2015, Trung tâm Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) đã chính thức gửi văn bản kiến nghị xung quanh dự thảo nghị định sửa đổi các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hành vi thông tin sai sự thật.
Các cơ quan gửi kiến nghị gồm: Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (Cơ quan ban hành Nghị định); Văn phòng Chính phủ; Bộ Tư pháp; Bộ Thông tin & Truyền thông; Bộ Tài chính; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Kế hoạch & Đầu tư; Bộ Giáo dục – Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Khoa học & Công nghệ; Bộ LĐTB&XH; Bộ Tài nguyên Môi trường (Cơ quan đề xuất Nghị định); Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Nhà báo Việt Nam (Cơ quan giám sát thực thi Nghị định); Các cơ quan báo chí (Cơ quan chịu sự điều chỉnh của Nghị định);
Trước đó, ngày 5/2/2015 Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) phối hợp cùng bốn cơ quan báo chí là: Báo Bưu điện Việt Nam (Infonet), báo điện tử VTC News, báo Pháp Luật TP HCM và báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo “Chế tài hành chính xử lý thông tin sai sự thật trên báo chí”.
“Chế tài hành chính xử lý thông tin sai sự thật trên báo chí: Ai cũng được phạt báo chí?” diễn ra ngày 5/2/2015 |
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, việc báo chí thông tin sai sự thật cũng có nguyên nhân từ việc người có thẩm quyền ở các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực không tuân thủ đúng quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin (Điều 3 Nghị định 51/2002, Điều 8 Luật Báo chí và Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin ban hành theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) nhưng không có chế tài xử lý. Biểu hiện cụ thể của việc vi phạm các quy định này là Người đứng đầu và Người phát ngôn thuộc các cơ quan nhà nước còn chậm cung cấp thông tin; cung cấp thông tin sai và cung cấp thông tin không đầy đủ.
Tại cuộc Hội thảo, các chuyên gia, nhà báo đã phân tích kỹ các nội dung trên, thống nhất đưa ra ba đề xuất đối với Tờ trình của Bộ Tư pháp về dự thảo Nghị định, gồm:
Đề xuất 1: Đề nghị hủy bỏ tất cả các điều khoản quy định về xử phạt nhà báo, cơ quan báo chí ở 08 Nghị định do các Bộ, ngành soạn thảo (1), đồng thời không bổ sung thêm Điều 8a như dự thảo và không quy định thẩm quyền xác định hành vi thông tin sai sự thật cho các bộ, ngành;
Đề xuất 2: Thống nhất giao một đầu mối là Bộ Thông tin & Truyền thông xác định và xử phạt hành vi thông tin sai sự thật theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt VPHC trong hoạt động báo chí xuất bản.
Đề xuất 3: Bổ sung chế tài đối với Người phát ngôn Cơ quan Nhà nước vào Điều 9 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản khi có 03 hành vi sau: Chậm cung cấp thông tin; Cung cấp thông tin sai; Cung cấp thông tin không đầy đủ.
Các đề xuất này đã được đa số các đại biểu trả lời phiếu thăm dò đồng ý