Chưa xác định được nguồn gốc chất cấm trong thịt
Chưa xác định được nguồn gốc chất cấm trong thịt
Tại khu vực phía Bắc và duyên hải Nam Trung Bộ kết quả phân tích mẫu cho thấy lượng mẫu dương tính với chất cấm khá thấp. Với 136 mẫu tại hơn 15 tỉnh (từ Bắc Giang đến Quảng Nam) chỉ 3 mẫu dương tính với chất tạo nạc đó là Hòa Bình 1 mẫu thức ăn bổ sung, Bắc Ninh 1 mẫu gan, Hải Dương 1 mẫu thức ăn chăn nuôi.
Thịt lợn nhiễm chất tạo nạc gây nguy hại cho người sử dụng xuất hiện ở khu vực miền Bắc nhưng khá thấp Ảnh: PT |
Trong 3 tháng đầu năm 2012 mẫu phân tích chất cấm dương tính với kết quả 13/268 mẫu thức ăn chăn nuôi (4,8%); thịt, gan lợn 8/179 mẫu (4,4%); nước tiểu lợn 7/108 mẫu (6,4%); thuốc thú y 2/18 mẫu (11,1%).
“Số lượng mẫu phân tích dương tính với chất Beta Agonist đang giảm so với thời gian đầu phát hiện. Mẫu dương tính với chất tạo nạc hiện chỉ còn 4,8% bằng phương pháp nghiên cứu định tính so với thời gian đầu 43% kết quả nghiên cứu bằng phương pháp định lượng”, ông Nguyễn Xuân Dương Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết.
“Chất tạo nạc chỉ được người chăn nuôi cho vật ăn trước khi bán từ 15 – 20 ngày, nếu cho ăn trước dài ngày vật nuôi sẽ chết. Vì vậy, các nghiên cứu gần đây cho thấy mẫu dương tính với chất cấm giảm là ngẫu nhiên”, ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục thú y nói.
Theo ông Hoàng Văn Năm, “chất cấm Beta Agonist không được phép có trong thành phần thuốc thú y, Cục không cấp phép lưu hành, một số mẫu thuốc phân tích thấy chất cấm rất có thể đó là thuốc giả, thuốc lậu, nguồn gốc không rõ ràng. Nhưng hiện Cục vẫn chưa có kết luận chính xác về nguồn gốc những mẫu thuốc dương tính đó”.
“Những cơ sở, cửa hàng có mẫu thuốc thú y dương tính với chất cấm Cục không thể trực tiếp xử lý chỉ có thể lập biên bản theo thông tư 14 rồi giao lại cho địa phương xử lý”. Ông Năm bày tỏ thêm về hạn chế của thông tư 14.
Vấn đề thịt sử dụng chất cấm vẫn ngang nhiên bày bán trên thị trường trong suốt thời gian dài không bị phát hiện. Theo ông Năm: “Khẩu kiểm soát giết mổ ở nước ta còn nhiều yếu kém đặc biệt là các tỉnh phía Bắc điển hình như Nam Định, Hà Nam, Thái Bình. Công tác kiểm soát giết mổ hầu như không được thực hiện. Vì vậy vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng chưa được đảm bảo. Việc giết mổ chỉ là thỏa thuận giữa người bán và người mua, địa điểm giết mổ ngay tại nhà người bán, không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng nào”.
“Cần phải nâng cao công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng”. Ông Năm nói thêm.
Dư lượng chất bảo vệ thực vật có trong rau củ quả cũng khiến người tiêu dùng hoang mang, tuy nhiên hàm lượng được xác định đều dưới mức cho phép Ảnh: PT |
Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả vẫn tiếp diễn, tuy nhiên kết quả nghiên cứu cho thấy với 62/217 mẫu được phân tích có chứa dư lượng chất bảo vệ thực vật (28,5%). Tuy nhiên, đều thấp hơn hàm lượng cho phép nên không đáng lo ngại. Ông Nguyễn Xuân Hồng Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết.
Chất cấm sử dụng trong chăn nuôi ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người sử dụng nhưng nguồn gốc thuốc chưa rõ ràng, cách xử lý thiếu triệt để, công tác kiểm tra kiểm soát giết mổ còn nhiều yếu kém. Vì vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo: “Cục Thú Y cần tiếp tục truy tìm nguồn gốc chất cấm và xử lý triệt để hơn 11% thuốc thú y có nhiễm chất Beta Agonist để loại trừ hoàn toàn tác hại trong chăn nuôi. Nâng cao công tác kiểm tra, kiểm soát sử dụng chất cấm, bao gồm từ thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giết mổ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến người dân”.
Phạm Thơm