Chùa Một Cột xuống cấp: Nghiêm trọng hay chưa?
Đoạn trích trong “tối hậu thư” của Đại đức Thích Tâm Kiên - trụ trì chùa Một Cột (Diên Hựu) gửi đến UBND TP.Hà Nội có viết.
“Lửa gần rát mặt”
Đại đức Thích Tâm Kiên - trụ trì chùa Một Cột cho biết, chùa bắt đầu dột từ năm 2002 và cho đến nay tình trạng dột càng trở nên nghiêm trọng. Bắt đầu từ nhà Tổ đến các kèo gỗ và phía bên trong bàn thờ các sư tổ, hễ trời mưa là nước rơi trực tiếp xuống các pho tượng và ngấm vào tường khiến nhà chùa phải đội nón lá và mặc áo mưa cho tượng để tránh tượng bị bong tróc. Các kèo gỗ do nước mưa ngấm lâu đã bị mục nát, chỉ cần chạm nhẹ là gỗ nát thành vụn cám rơi lả tả. Sự chậm trễ trong việc thực hiện trùng tu chùa Một Cột dẫn đến việc trụ trì ngôi chùa này sẽ phải tự ý hạ giải tu bổ chùa nếu không có ý kiến của các cơ quan chức năng sau 30 ngày, kể từ ngày làm đơn.
Qua thực tế khảo sát tại chùa Một Cột cho thấy nhà thờ Tam Bảo bị dột ở nhiều nơi, vài ngày trở lại đây Hà Nội mưa lớn nên thấy rõ ràng khuôn viên chùa trở thành một “hồ chứa nước" là nơi hứng chịu bùn, rác dồn xuống, bởi vì chùa ở vị trí lòng chảo. Hồ Linh Chiểu vốn nhỏ bé và nông nay ngầu đục vì bùn. Đại đức Thích Tâm Kiên, cho biết, trong 2 năm, nhà chùa phải thuê công ty cấp thoát nước nạo vét 164m3 bùn từ hồ. Vào ngày 8/8/2011, một trận mưa to đã làm ngập tường bao quanh chùa, nước tràn vào nhà thờ Tổ gây ngập đến 20cm.
Trời mưa, nhà chùa phải dùng nón và áo mưa che chắn cho tượng. Ảnh: Lê Hiếu. |
Sau khi nhận được “tối hậu thư” của Đại đức Thích Tâm Kiên, ngày 8/5 UBND phường Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) cùng mốt số cơ quan ban ngành đã có cuộc khảo sát thực trạng chùa Một Cột. Trụ trì chùa Một Cột cho biết trong cuộc khảo sát trên nhà chùa đã chỉ cho đoàn khảo sát những hư hỏng ngày càng lớn của di tích này.
Được biết từ năm 2009, UBND quận Ba Đình đã lập kế hoạch đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích ngôi chùa với kinh phí hơn 31 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai vào năm 2012 và hoàn thành vào đầu năm 2013. Thế nhưng, đến thời điểm này các bước tiến hành trùng tu ngôi cổ tự này vẫn diễn tiến chậm trễ.
Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết thêm: "Vào thời điểm khi ngôi chùa chuẩn bị đón bằng kỷ lục là Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á (ngày 12/11/2012), chúng tôi được ông Đỗ Viết Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, cho biết: Để có phương án trùng tu chùa đúng nhất, nhằm phát huy giá trị di tích đặc biệt này, UBND quận Ba Đình sẽ tiến hành hội thảo khoa học về chùa Một Cột - Diên Hựu vào cuối tháng 11/2012 từ đó, sẽ báo cáo trình lên UBND TP Hà Nội, xin ý kiến của Bộ VH-TTDL. Tiếp đó sẽ có hội thảo về trùng tu cho chùa Một Cột".
Thế nhưng, cho đến nay, kế hoạch hội thảo vẫn nằm trên giấy. Lý giải về sự chậm trễ của các cơ quan chức năng Đại đức Thích Tâm Kiên nói: "Do chùa nằm ở vị trí quá quan trọng, nên cơ quan chức năng còn nghi ngại lửa gần rát mặt”.
Tranh cãi về mức độ xuống cấp
Chùa Một Cột được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đợt đầu tiên năm 1962. Như vậy, việc hạ giải, tu bổ chùa Một Cột, một di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia sẽ phải tuân thủ theo Luật Di sản văn hoá. Theo đại đức Thích Tâm Kiên, việc trùng tu chùa Một Cột - Diên Hựu nếu được thực hiện thì với phương thức xã hội hóa, nhiều phật tử hảo tâm sẵn lòng đóng góp để ngôi chùa được trùng tu, tôn tạo xứng tầm. Tuy nhiên việc này là không thể.
Trao đổi với báo chí về việc úng ngập tại chùa Một Cột, UBND quận Ba Đình cho hay, sau khi thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội tháng 4/2010, đến tháng 9/2010 thực hiện nạo vét, sửa sang sân vườn nhà chùa thì không còn tình trạng úng ngập tại chùa.
Đánh giá về thực trạng tại chùa Một Cột ông Đỗ Viết Bình Chủ tich UBND quận Ba Đình cho rằng: "Mọi người đã xuống thực tế và đều thấy tình trạng xuống cấp ở đó vẫn chưa ở mức nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ đảm bảo thực hiện trùng tu chùa Một Cột nhanh nhất và đúng Luật di sản văn hoá".
Chùa Một Cột nằm giữa trung tâm Thủ đô. Ảnh: Lê Hiếu. |
Bác bỏ nội dung đơn của Đại đức Thích Tâm Kiên gửi UBND quận Ba Đình ông Đỗ Viết Bình cho biết thêm: "Sẽ không có chuyện 30 ngày sau khi gửi đơn chùa được phép hạ giải tu bổ chùa".
Chùa Một Cột chỉ bị ngập nặng một lần vào năm 2008. Sau đó, quận Ba Đình đã nâng cấp hệ thống thoát nước, sân vườn, tường rào di tích… nên không còn hiện tượng úng ngập. Với các điểm dột, quận Ba Đình sẽ cử người đến đảo ngói chống ngập mùa mưa bão.
Đề cập về việc chậm trễ triển khai dự án bảo tồn, tu tạo chùa, ông Bình cho biết, đây là di tích đặc biệt của Quốc gia nên quy hoạch phải tuân theo đúng trình tự, quận đã tổ chức 3 cuộc hội thảo, xin ý kiến nhiều cơ quan như Bộ Văn Hóa, UBND thành phố, Ban quản lý di tích thắng cảnh… nên quá trình hoàn thiện dự án đã kéo dài. Trong tháng 5, quận Ba Đình tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến các cơ quan liên quan để khẩn trương phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo.
Về việc xây dựng các hạng mục mới trong khuôn viên chùa, ông Đỗ Viết Bình khẳng định, là di tích đặc biệt nên việc tu bổ, tôn tạo chùa Một Cột phải tiến hành thận trọng. Việc bảo tồn di tích trên cơ sở nguyên trạng, xây hạng mục mới sẽ được xem xét kỹ lưỡng.
Lê Hiếu