Chủ tịch VNPT: “Công tác thoái vốn của VNPT khá khó khăn”
Trong tháng 11, VNPT đã thực thiện thoái vốn theo lô 17 danh mục, nhìn chung công tác thoái vốn của VNPT khá khó khăn.
Trước đó, hồi đầu năm 2017, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, VNPT đã tổ chức đấu giá công khai để thực hiện thoái vốn tại 8 danh mục đều không thành công vì không có nhà đầu tư quan tâm, trong số 8 danh mục này có 7 công ty thuộc khối xây lắp và Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB).
Còn đối với Công ty Tài chính Bưu điện, VNPT đã làm việc với các đối tác ngân hàng và có hướng khả quan. Dự kiến cuối tháng 4, VNPT sẽ báo cáo Lãnh đạo Bộ TT&TT và Ngân hàng Nhà nước để có chỉ đạo về phương án thoái vốn công ty Tài chính Bưu điện.
Tính đến cuối năm 2016, theo báo cáo của VNPT, VNPT đã thực hiện thoái vốn toàn bộ được 16 danh mục, vốn đầu tư của tập đoàn tại các doanh nghiệp khác. Trên sổ sách, VNPT đã thoái vốn được 602 tỷ đồng/2002 tỷ đồng đầu tư trên sổ sách. Tổng giá trị thu về được 1.044 tỷ đồng, bằng 174% so với giá trị vốn đầu tư trên sổ sách của VNPT.
Đối với Công ty Tài chính Bưu điện, hồi cuối năm 2016 VNPT đã có phương án báo cáo Bộ TT&TT, Ngân hàng Nhà nước sắp xếp lại công ty này theo hướng chuyển nhượng vốn của VNPT tại Công ty cho các tổ chức tài chính, tín dụng.
Còn với phần vốn góp tại Maritime Bank, việc thoái vốn tại các tổ chức tín dụng có những quy định riêng rất chặt chẽ, do đó Bộ TT&TT đã có chỉ đạo VNPT phải chủ động có giải pháp để thoái vốn theo đúng quy định của Nhà nước.
Trước đó, ông Lưu Vũ Hải, Chủ tịch Tổng công ty VTC cũng cho biết, VTC gặp khó khăn trong thoái vốn tại các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ, do đó VTC xin báo cáo Bộ TT&T để có phương án xử lý.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn giao cho Vụ Quản lý doanh nghiệp hướng dẫn các doanh nghiệp thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đồng thời làm việc với các doanh nghiệp đề xuất phương án thoái vốn nhất là đối với các công ty thuộc VNPT hiện chưa tìm được nhà đầu tư để bán cổ phần, đồng thời chuẩn bị nội dung cho lãnh đạo Bộ làm việc với VNPT để có giải pháp tháo gỡ.
Vào giữa tháng 2/2017, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ TT&TT và Tập đoàn VNPT truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về giải pháp đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại các doanh nghiệp đã niêm yết của Tập đoàn VNPT.
Theo Văn phòng Chính phủ, trên cơ sở đề nghị của Bộ TT&TT và ý kiến của các Bộ Tài chính, KH&ĐT về vấn đề nêu trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất, kiến nghị của Bộ TT&TT đối với trường hợp thoái vốn tại Công ty cổ phần Khách sạn Bưu điện Khánh Hòa (P&T Hotel) để sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp (Nghị định 91) cho phù hợp với thực tế thoái vốn tại các doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng giao Bộ TT&TT chỉ đạo VNPT căn cứ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 91 để thực hiện thoái vốn tại P&T Hotel, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với việc thoái vốn tại Công ty cổ phần xây lắp và phát triển dịch vụ Bưu điện Quảng Nam (QTC), Công ty cổ phần Hacisco (HAS), Công ty cổ phần điện nhẹ kỹ thuật viễn thông (LTC), Phó Thủ tướng chỉ đạo thực hiện theo quy định hiện hành.
“Trường hợp thoái vốn tại QTC, HAS, LTC theo phương thức khác hiệu quả hơn so với phương thức hiện hành, Bộ TT&TT so sánh, đánh giá để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ.