Chủ tịch UBND TP.HCM ngắt lời Giám đốc Sở Công Thương vì nói sai trọng tâm
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong |
Sau khi nghe báo cáo các số liệu tăng trưởng kinh tế, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thấy rằng, trong 6 tháng đầu năm chỉ số tăng trưởng công nghiệp của thành phố chỉ tăng 7,1%, thấp hơn con số 7,51% của cùng kỳ năm ngoái.
Ông lưu ý rằng trong cuộc họp gần đây, Thường trực Thành ủy nhận định, dù thành phố đang hướng đến các ngành dịch vụ, tuy nhiên không thể phủ nhận thành phố vẫn là trung tâm sản xuất công nghiệp lớn.
“Trong 6 tháng, công nghiệp không có điểm nào tăng đột phá cả” – ông Phong cho hay, đồng thời nhận định rằng thành phố vẫn phải trông cậy nhiều vào bốn ngành công nghiệp trọng yếu. Trong bốn ngành này có điện tử, công nghệ thông tin tăng mạnh về tốc độ, tuy nhiên quy mô lại rất thấp.
“Nguyên nhân gì mà tăng trưởng chậm? Giải pháp nào cho 6 tháng cuối năm?” - ông Phong nói và yêu cầu Giám đốc Sở Công Thương Phạm Thành Kiên trả lời.
Trả lời sau đó, ông Kiên cho rằng, tốc độ tăng tuy có giảm nhưng giá trị gia tăng của ngành lại tăng: “6 tháng đầu năm 2017 đóng góp 9,63% giá trị gia tăng thì 6 tháng đầu năm 2018 tăng lên 10%”.
Theo ông Kiên, 2017 là năm ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao vì các doanh nghiệp tranh thủ đầu tư để tránh một số loại thuế trong năm 2018. Đặc biệt đây là thời gian Samsung đi vào hoạt động nên “số liệu có bứt phá”.
Sau đó ông Kiên mất thêm nhiều phút phân tích các số liệu của ngành. Tuy nhiên ông Nguyễn Thành Phong ngắt lời Giám đốc Sở Công Thương vì cho rằng ông nói không đúng trọng tâm, không nêu ra được giải pháp.
“Tôi muốn hỏi anh tình hình thực tế như vậy thì anh có giải pháp gì? Chứ phân tích vấn đề anh không giỏi hơn Cục Thống kê đâu” – ông Phong nhắc và nhấn mạnh rằng: “Máy móc mình có thương hiệu gì không? Anh có giải pháp, kiến nghị gì? Tôi hỏi là hỏi như vậy chứ không phải để anh phân tích số liệu thống kê”.
Tiếp tục trả lời ông Nguyễn Thành Phong, ông Kiên đề cập đến cách thức hỗ trợ các doanh nghiệp hiện nay – điều ông cho rằng chưa hiệu quả.
“Trước mình nghĩ doanh nghiệp lớn rồi thì không cần hỗ trợ, mà hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ để đẩy lên. Nhưng qua 2 năm triển khai thì thấy rằng nên tập trung vào 1,4% doanh nghiệp lớn, để họ tạo ra chuỗi giá trị, từ đó kéo doanh nghiệp nhỏ lên” – ông Kiên cho hay.
Theo ông Kiên, hiện các doanh nghiệp muốn xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp hỗ trợ gần nhà máy chính, tuy nhiên từ trước đến nay thành phố quy hoạch chưa phù hợp nên họ không muốn vào. Do vậy ông đề nghị xây dựng thêm các “tiểu khu công nghiệp hỗ trợ” như đề nghị của các doanh nghiệp.
Trước báo cáo này, ông Phong yêu cầu ngay trong tháng 7 này, Sở Công thương phải xây dựng một đề án về cơ cấu sản phẩm chủ yếu của thành phố dựa trên cơ cấu phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm.
Ông Phong cũng muốn có một cuộc gặp để nghe kiến nghị, khó khăn của các doanh nghiệp sản suất công nghiệp có số vốn từ 100 tỷ đồng trở lên.
“Không có lý do gì một thành phố là trung tâm công nghiệp lại phát triển như thế này. Cơ cấu sản phẩm là gì? Thành phố có bao nhiêu thương hiệu và những thương hiệu này có nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu? Một thành phố được thế giới đánh giá là năng động sao lại chậm chạp trong vấn đề đó” – ông Nguyễn Thành Phong đặt câu hỏi.