Chủ tịch TP.HCM: “Nhiều người không có khả năng mua nhà, thậm chí thuê cũng rất khó”
Khung cảnh buổi hội thảo |
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu, hiện có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với người thân, trong đó có khoảng 20.000 hộ cán bộ công chức chưa sở hữu nhà ở, hơn 20.000 hộ sống trên hoặc ven kênh rạch và 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo.
Hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu mua nhà ở thương mại vừa túi tiền - loại căn hộ 1-2 phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới 01 tỷ đồng/căn, hoặc thuê mua nhà ở xã hội trả góp 15 năm, hay thuê nhà giá rẻ.
Để giải quyết tình trạng này, ông Châu cho rằng cần phát triển các dự án nhà ở trong các khu đô thị vệ tinh (Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, Tây Bắc…), các khu dân cư có quy mô lớn, hay chỉnh trang - tái phát triển các khu vực đô thị cũ.
Về mô hình phát triển các dự án, khu nhà ở quy mô vừa và nhỏ, ông Châu cho rằng mặt tích cực là góp phần giải quyết nhà ở trong giai đoạn kinh tế khó khăn, tuy nhiên mặt tiêu cực là đô thị phát triển theo kiểu “vết dầu loang”, phá vỡ quy hoạch, vì vậy hiện nay nên hạn chế mô hình này.
Dù vậy ông đề nghị cho phép doanh nghiệp được phát triển các dự án nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp ở đô thị, người nhập cư.
Đồng thời, ông Châu cho rằng với thực trạng khoảng 42% nhà ở có diện tích dưới 30m2/căn, thậm chí có đến 22,4% nhà ở dưới 20m2/căn, đã đặt ra vấn đề cần xem xét lại, có thể quy định mức diện tích tối thiểu được tách thửa thấp hơn hiện nay để giải quyết bài toán nhà ở.
Về vai trò của chính quyền, ông nhấn mạnh các doanh nghiệp đang kỳ vọng về một môi trường "minh bạch, lành mạnh, bình đẳng, thông thoáng". Trong đó nhà nước vừa là người ban hành "luật chơi", tạo "sân chơi", vừa đóng vai trò trọng tài, điều phối để thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở, đảm bảo các lợi ích của người dân, doanh nghiệp và an sinh xã hội.
Ngoài ra hội thảo còn có ý kiến chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề này của các chuyên gia Singapore, Hàn Quốc, New Zealand…
TP.HCM có nhiều dự án cho người có thu nhập khá trong khi nhu cầu mua nhà ở xã hội đang rất lớn |
Trước đó trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhìn nhận TP.HCM đang đứng trước những thách thức không nhỏ.
Theo ông Phong, số dân sinh sống thực tế tại TP lên tới 13 triệu người và cứ 5 năm lại có thêm 1 triệu người. Điều này đồng nghĩa với mật độ dân số rất cao, từ đó tạo sức ép lớn đến quản lý đô thị - trong đó có nhà ở, dù hiện TP có khoảng 1,6 triệu căn nhà và diện tích nhà ở bình quân đạt 19,9m2.
“Tuy nhiên còn bộ phận lớn người lao động đang sinh sống trong điều kiện chật chội, không có khả năng mua nhà, thậm chí thuê cũng rất khó” – ông Phong nói, đồng thời cho biết việc phát triển nhà ở cho các đối tượng này là chỉ tiêu quan trọng mà thành phố đặt ra trong thời gian tới.
Đồng quan điểm với ông Phong, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân trong điều kiện TP.HCM hiện nay là “khó khăn, thách thức”.
“Thành phố có thành quả, nhưng nhiều người dân chưa có nhà ở hoặc đang sống trong những diện tích tối thiểu” – Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay.
Ông Sinh cho rằng thành phố cần có cơ chế hợp lý cho nhà ở xã hội, quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính và nghiên cứu dùng vật liệu mới để giảm giá thành cho nhà ở xã hội.
Khẳng định tầm quan trọng của nhà ở cho người thu nhập thấp, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho hay, cần nghiên cứu lại chính sách cho loại hình này theo hướng hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Cũng theo ông, nhà ở xã hội không có nghĩa là nhà chất lượng thấp.