Chủ tịch Quốc hội: Càng giảm nhiều án tử hình càng tốt!
Theo điều 40 của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
Điều 40 quy định: Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên khi phạm tội, đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;b) Người bị kết án là người từ 75 tuổi trở lên.c) Người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c khoản 3 Điều này thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Án tử hình đã không còn được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới |
Theo Khoản 6 điều 63 của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc các trường hợp được giảm án theo quy định thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm.
Báo cáo giải trình và tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân (khoản 6 Điều 63) cũng cho biết còn có những ý kiến khác nhau. Có những ý kiến tán thành với phương án quy định không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân. Có ý kiến cho rằng, vẫn quy định cho xét giảm án nhưng với điều kiện khắt khe hơn.
UBTVQH đưa ra quan điểm: mặc dù việc không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân sẽ làm tăng tính răn đe, phòng ngừa của hình phạt. Tuy nhiên, quy định này thực tế sẽ làm phát sinh một loại hình phạt mới (tù chung thân không giảm án), người bị áp dụng dễ nảy sinh tâm lý tiêu cực vì không còn động cơ để cải tạo, phục thiện. Do còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH dự kiến 2 phương án để xin ý kiến ĐBQH: Phương án 1: quy định điều kiện để xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân chặt chẽ hơn so với người bị kết án tù chung thân khác, cụ thể: “thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm án lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm” như khoản 6 Điều 63 dự thảo; Phương án 2: quy định không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân.
Đối với vấn đề giảm án tử hình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần giảm càng nhiều án tử hình càng tốt để thể hiện sự văn minh. Hiện nay nhiều nước đã không còn áp dụng án tử hình.