Chủ tịch nước: Quyết tâm bắt Trung Quốc phải rút giàn khoan
Tiếp tục cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VIII, chiều ngày 16/5 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã lắng nghe ý kiến của cử tri quận 3, TP.HCM.
Chủ tịch nước gặp gỡ cử tri sau buổi tiếp xúc chiều ngày 16/5 |
Tại buổi gặp này một lần nữa Chủ tịch nước khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam tại khu vực biển mà Trung Quốc đang cố gắng đặt giàn khoan Hải Dương – 981. Ông cũng vạch rõ sự vi phạm của quốc gia này với chính những nội dung mà họ đã ký kết với ASEAN và Việt Nam
“Nội dung Tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC) đã quy định rõ các bên giữ nguyên hiện trạng, không làm thay đổi, phức tạp thêm tình hình. Nhưng giàn khoan trước nay đâu có ở đó, trước đây không phải của anh mà bây giờ anh làm thế” – Chủ tịch nước nói.
Trước những ý kiến thắc mắc của cử tri về việc “liệu chúng ta có tiến hành trao đổi giữa lãnh đạo hai đảng, hai nhà nước hay không?”. Chủ tịch Trương Tấn Sang cho biết Việt Nam và Trung Quốc đã có những thỏa thuận về vấn đề này.
“Cụ thể hai nước đã có những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề bất đồng trên biển. Cấp lãnh đạo cao nhất cũng đã có các thỏa thuận trong những chuyến đi thăm lẫn nhau. Tuy nhiên, Trung Quốc đã vi phạm những thỏa thuận này”.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Chúng ta yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan. Đây là quyết tâm trước sau như một, là mục tiêu chung của toàn dân tộc Việt Nam".
Trước đó trong cuộc tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng vào ngày 15/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khẳng định tương tự. Cũng theo Chủ tịch nước, hiện tại nhiều cá nhân, tổ chức, và đa số các quốc gia đã ủng hộ chúng ta ở mức độ khác nhau. "Không biết tôi có đọc sót không, nhưng đến giờ này tôi chưa thấy quốc gia nào ủng hộ Trung Quốc” - Chủ tịch nước nói.
Về các biện pháp đấu tranh trong thời gian tới, Chủ tịch nước cho biết, chúng ta sẽ tiếp tục dựa trên cơ sở các biện pháp hòa bình và luật pháp quốc tế, không chủ trương chiến tranh.
Ông cũng đánh giá thời gian vừa qua Bộ Ngoại giao đã làm việc hết sức kịp thời với mật độ giao thiệp chưa từng có. Cuộc tiếp xúc mới nhất là buổi nói chuyện điện thoại giữa Ngoại trưởng hai nước, trong đó Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã một lần nữa nói rõ yêu cầu của mình.
Nhắc lại vụ việc tại Bình Dương, Chủ tịch nước nói. Chúng ta coi kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế nhiều thành phần. Thế giới cũng đánh giá chúng ta là một điểm đến an toàn, nhưng sự việc vừa rồi khiến môi trường đầu tư của ta đã bị mang tiếng rất không hay.
“Qua đó chúng ta thấy rằng tổ chức Đảng và Công đoàn tại những nơi này rất yếu kém nên khi xảy ra sự việc đã bị tê liệt. Chúng ta phải nghiêm túc rút kinh nghiệm ngay cả ở những nơi khác” – ông thẳng thắn nhận định.
Cử tri Huỳnh Công Thành |
Cũng trong buổi tiếp xúc này, đóng góp ý kiến cho hoạt động phòng chống tham nhũng, cử tri Huỳnh Công Thành (Quận 1) kiến nghị: “Với những đối tượng tham nhũng chúng ta phải xử lý triệt để, không vị nể, tha thứ, cho dù người đó có là ai, cho dù trước đó họ đã từng có công đi nữa. Chúng ta phải kiên quyết 'đào tận gốc – trốc tận rễ - đập cho tơi – phơi khô', và đưa ra khỏi tổ chức”.
Đáp lại ý kiến này, Chủ tịch Trương Tấn Sang khẳng định sẽ “không vị thân, vị kỷ mà sẽ làm thẳng tay vì nước, vì dân”.