Chủ tịch nước: Phải xử lý nhanh vướng mắc của doanh nghiệp
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với các doanh nhân tại TP.HCM |
Ngày 28/6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc họp với Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM và các DN trên địa bàn thành phố về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm.
Tình hình kinh tế suy giảm, căng thằng trên Biển Đông khiến các khó khăn của nhiều DN càng chất chồng thêm. Hàng loạt các kiến nghị về giảm thuế, hỗ trợ vốn, giảm lãi suất, kích cầu thị trường… Về vấn đề lâu dài là giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, đa dạng hóa thị trường… đang được các DN đề xuất kiến nghị.
Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc công ty Nam Thái Sơn, cho biết ngành nhựa phụ thuộc vào nhập khẩu nhiều và nhập tới 80% từ Trung Quốc do giá rẻ, cơ chế thanh toán tốt. Vấn đề nguyên liệu ngành nhựa đang nóng với Trung Quốc, thời gian tới 3.000 DN ngành nhựa phải giảm nhập khẩu từ thị trường này, cơ cấu lại nguồn nguyên liệu.
Hiện DN ngành dệt may phải nhập khẩu tới 70% nguyên liệu trong đó nhập từ Trung Quốc là 35%. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP.HCM: “Tình hình Biển Đông căng thẳng buộc các DN trong ngành phải nhanh chóng lập chiến lược giảm phụ thuộc Trung Quốc, trong đó khai thác các lợi thế từ TPP và FTA”.
Tuy ngành da giày chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào đến 40- 50%, nhưng vẫn có tới 20- 30% chủ yếu là da, giả da từ Trung Quốc, ông Vũ Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Da giày TP.HCM cho biết.
Với những đặc thù của nhiều ngành DN Việt Nam phụ thuộc nguồn nguyên liệu Trung Quốc, đại diện các hiệp hội DN đề nghị Chính phủ phải có chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và có những ưu đãi cho ngành này. Đối với DN ngành dệt may và da giày đều cần Chính phủ hỗ trợ về môi trường trong khâu dệt, nhuộm và thuộc da.
Bên cạnh yêu cầu bức thiết về ngành công nghiệp hỗ trợ, hiện các DN cũng đang khúc mắc trong vấn đề nguồn vốn ưu đãi để phát triển, trong đó rất thiếu vốn trung, dài hạn để đầu tư máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến.
Ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch Hội DN quận 11, TP.HCM, nên ưu đãi hơn đối với DN khối này vì hiện nay họ phải vay với lãi suất cao hơn DN lớn từ 1-3%/năm. Và ưu tiên cho họ vay vốn để mua máy móc thiết bị, hiện nay vay mua máy móc thiết bị với lãi suất ngất ngưởng.
Không chỉ gặp phải khó khăn về thị trường, các DN trong nước cũng đang phải cạnh tranh với các DN FDI hay DN nước ngoài đang được hưởng rất nhiều ưu đãi.
Ông Hàng Vay Chi chia sẻ, "đau lòng" nhất là cạnh tranh với các DN FDI, các DN FDI được thế chấp đất thuê và nhà xưởng trong khi DN bản địa lại không. DN nội đã và đang tiếp tục thua trên sân nhà.
Việc hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN hiện chỉ có DNNVV có doanh số dưới 20 tỷ đồng/năm mới được hưởng mức 20%, trong khi đó DN FDI có vốn 10 triệu USD (215 tỷ đồng) vẫn được xem là DNNVV và được vay vốn từ một quỹ tín dụng quốc tế lãi suất rất thấp.
DNNVV Việt Nam cũng phải cạnh tranh rất khốc liệt với các DN nước ngoài khi hàng rào thuế và hàng rào kỹ thuật của chúng ta còn quá yếu.
Về việc DN FDI được vay vốn lãi suất thấp hơn DN trong nước, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp giảm lãi suất xuống tương đương DN nước ngoài nếu không DN trong nước sẽ thất thế. Dù chúng ta vẫn cần vốn nước ngoài, không kỳ thị nhưng không nên quá ưu đãi DN FDI mà bỏ quên DN trong nước. Về hàng rào kỹ thuật thì TP.HCM chỉ có thể giải quyết trong thẩm quyền của mình, Chính phủ và các bộ ngành mới là người có quyết định cuối cùng, nếu hàng rào kỹ thuật cao thì DN trong nước cũng phải đáp ứng được. Ngành công nghiệp hỗ trợ cho dệt may TP.HCM đã đồng ý và đã có đầu tư để phát triển công nghiệp dệt may.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu các doanh nghiệp nỗ lực tối đa để vượt qua được sự trì trệ hiện có. "Nhà nước cũng hết sức sốt ruột nên đã sửa đổi và ban hành một loạt các luật mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Cần giải quyết nhanh chóng hơn nữa các vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh", ông nói.
Chủ tịch nước yêu cầu đối với các văn bản, thông tư hướng dẫn nếu thấy chưa rõ, các sở ngành cần có văn bản báo cáo ngay cho các bộ, ngành để nhanh chóng sửa đổi. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ để các ngành phát triển bền vững, chuẩn bị cho việc hội nhập sâu.
Thực trạng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, lao động dệt may hiện lên tới 6 triệu người, hiện các doanh nghiệp FDI đang ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực này trong khi doanh nghiệp trong nước vẫn rất chậm chạp. Nếu công nghiệp phụ trợ vẫn lình xình như vậy thì rất đáng lo ngại, nền kinh tế Việt Nam vẫn chi thuần làm gia công. Thể trạng đất nước đang yếu nên yêu cầu có sự quyết tâm cao hơn nữa từ mọi cấp trong việc nỗ lực cải thiện môi trường thu hút đầu tư, cải cách hành chính và giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp.