Chủ tịch nước nói về TPP: "Chưa có nước nào đóng cửa mà thành rồng!"
Trên đây là nhắn nhủ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với cử tri trong buổi tiếp xúc trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 tại quận 1, TP.HCM vào sáng ngày 12/10.
Chủ tịch nước gặp gỡ cử tri trước buổi họp. |
“Cô bác, anh chị có đầy đủ quyền hạn”
Trong phần góp ý, nhiều cử tri đã bày tỏ sự đồng tình với những tiêu chí về nhân sự được đưa ra trong Hội nghị lần thứ 11 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
“Cử tri rất tâm đắc khi nghe các đồng chí lãnh đạo khẳng định sẽ kiên quyết không để lọt vào những người có bản lĩnh chính trị không vững vàng, xu nịnh, chạy chọt, bè phái…” – cử tri Huỳnh Văn Riều nói.
Đáp lại điều này, Chủ tịch nước cho biết ông cảm ơn cử tri đã hoan nghênh những tiêu chí của cán bộ được đưa ra tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11. Tuy nhiên ông cũng nhìn nhận rằng “đi kèm theo hoan nghênh này cũng có lo lắng”.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Cô bác, anh chị có đầy đủ quyền hạn để đóng góp ý kiến vào vấn đề nhân sự này. Trên phạm vi toàn quốc thì khó, nhưng trong phạm vi của mình nếu bà con thấy cần đóng góp ý kiến về ai, họ vi phạm những gì… thì hãy nói trong thư và gửi thư về Tiểu ban nhân sự Trung ương và Bộ chính trị khóa 11. Chúng tôi sẽ xem xét cân nhắc khi nhận được những thư từ này. Ngay cả chúng tôi cũng thế, chúng tôi cũng sẽ có những đồng chí khác xem xét chứ không phải được loại trừ. Tất cả mọi người nằm trong danh sách đó đều được xem xét cả”.
“Không thể có chuyện cứ vào TPP là nền kinh tế phát triển"
Cũng trong buổi tiếp xúc này Chủ tịch nước đã dành thời gian giải đáp ngắn gọn về TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương). Ông cho biết Nhà nước và Chính phủ đang khẩn trương triển khai để đưa các điều khoản trong Hiệp định này vào cuộc sống.
“Có thể nó ngắn gọn ta ký hiệp định là để mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu qua đó phát triển kinh tế” – Chủ tịch Trương Tấn Sang diễn giải.
Tuy nhiên Chủ tịch nước cũng đưa ra cảnh báo: “Ta đừng quên rằng mình vào nhà người ta thì cũng phải mở cửa để người ta vào nhà mình. Không những thế còn có nhiều người vào cùng. Do đó chúng ta không còn con đường nào khác ngoài gia tăng nội lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Một cử tri phát biểu ý kiến trong buổi tiếp xúc. |
“Không thể có chuyện cứ vào TPP là nền kinh tế phát triển, mà muốn có nền kinh tế như vậy chính mình phải xây dựng”– Chủ tịch nước nói thêm.
Chủ tịch nước lấy ví dụ: “Có những nước trồng cà chua với sản lượng khoảng 800 – 1.000 tấn/ha nhưng mình chỉ có vài chục tấn. Chẳng lẽ chúng ta đóng cửa để sống với sản lượng này? Không thể như vậy. Ta phải đặt ra câu hỏi là tại sao người ta làm được mà mình không làm được. Khi chúng ta hỏi câu đó là phải trả lời một loạt vấn đề, từ đó phải thay đổi tư duy để phát triển”.
Ông cũng nhắn nhủ báo chí “cứ nói sự thật, đừng có giấu và cách thức các nước làm thế nào để thoát ra khỏi những yếu kém đó để học tập”. Vì nếu không “mình cứ tưởng mình ghê gớm, đến lúc mở ra là chết!”.
Chủ tịch nước cũng nhận định rằng lịch sử cho thấy các nước phát triển đều mở cửa. “Chưa có nước nào đóng cửa kín mít mà thành rồng” – ông nói.
“Chúng ta không thể không hội nhập, mở cửa nhưng phải ra sức xây dựng nền kinh tế độc lập. Chúng ta nhờ bạn bè nhưng sức mình là chính, và đó phải là yếu tố quyết định”. – Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Để xây dựng được một nền kinh tế mạnh, Chủ tịch nước cũng yêu cầu mọi người phải đề cao tính tiết kiệm: “Tất cả những quốc gia phát triển đều chắt chiu từ những lúc cơ hàn mới có được ngày nay. Không có quốc gia nào đi lên từ sự phung phí. Hàn Quốc và Singapore là những nước phát triển, họ có GDP cao hơn chúng ta rất nhiều nhưng vẫn hết sức tiết kiệm, còn chúng ta phung phí rất nhiều” – Chủ tịch nước khẳng định.