Chủ tịch nước nói về tham nhũng: Đừng tưởng người dân im là tin!
Sao không để lại dấu ấn bằng bệnh viện, trường học?
Theo cử tri Hồ Quang Chín thì: “Tại sao các cơ quan chức năng luôn nói khó và không phát hiện được tham nhũng nhưng báo chí lại “lôi ra” được?”. “Ta nói người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, nhưng người đứng đầu đó là ai? Đã có Bộ trưởng nào từ chức?” – cử tri Chín nói bằng giọng gay gắt và tự trả lời: “Không có ai, mà chỉ có rút kinh nghiệm sâu sắc!”.
Chủ tịch nước gặp gỡ cử tri sau buổi tiếp xúc. |
Trong khi đó cử tri Lê Thanh Tùng nhận định hiện nay lãnh đạo nhiều nơi đua nhau xây trụ sở, tượng đài để coi đó là dấu ấn của mình. “Tại sao không để lại dấu ấn bằng các chương trình xóa đói giảm nghèo, trường học, bệnh viện” – cử tri Tùng nói.
Về vấn đề Biển Đông, cử tri Nguyễn Văn Tiếp cũng nêu ra một loạt những hành vi phi pháp của Trung Quốc tại đây và cho biết sẵn sàng đóng góp một ngày, một tuần, hoặc nhiều hơn nữa phần lương hưu của mình để đóng tàu cảnh sát biển nhằm bảo vệ lãnh thổ.
Đừng tưởng người dân im là tin!
Trả lời những chất vấn trên Chủ tịch nước cho biết tham nhũng và lãng phí là những vấn đề hết sức bức xúc hiện nay: “Người dân bất bình nhất là đi nước ngoài và làm những cái cái vô bổ” – ông nói.
“Yếu kém kéo dài, nói mãi không sửa, không ai chịu trách nhiệm, nếu có chịu thì chỉ xin rút kinh nghiệm. Đây là câu chỉ trích đắt giá và là sự thật có trong bộ máy của ta. Nếu không sửa sẽ làm cho đất nước trì trệ ghê gớm và ước muốn sánh vai với các cường quốc 5 châu như bác Hồ mong muốn rất khó khăn” – ông nhìn nhận.
Chủ tịch nước cũng chia sẻ rất chân thành rằng: “Có những lúc tôi bức xúc quá mới nói: “Các ông đừng tưởng dân người ta im là tin tưởng tụi mình. Nếu không có Bác Hồ với uy tín rất cao, ăn sâu vào tiềm thức thì hãy coi chừng”, và nhấn mạnh: “Nhưng sự kiên nhẫn của con người cũng có hạn, chứ không phải muốn làm gì thì làm”.
Đề cập đến việc một số dự án giao thông năm qua đã tiết kiệm được hàng chục ngàn tỷ đồng sau khi có được ĐBQH giám sát, Chủ tịch nước cho rằng đó là thành tích đáng mừng.
Tuy nhiên cũng theo ông thì: “Người ta suy luận ngay thôi, thế thì mấy dự án mấy ông không nhòm vào thì bị “ăn” mất bao nhiêu. Như thế làm sao có lòng tin được? Nếu tình cảnh này không ngăn chặn thì không có lòng tin được” – ông tiếp tục”.
Những người có lương tri đều thấy vô lý!
Về câu chuyện Biển Đông, Chủ tịch nước tiếp tục khẳng định thái độ trước sau như một của Đảng và Nhà nước trong vấn đề này:
“Ta không bao giờ thừa nhận hành vi chiếm đóng Trường Sa và Hoàng Sa bằng vũ lực của Trung Quốc (…) Và điều đó không phải là lời nói suông mà chúng ta đã nộp hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa lên Liên Hợp Quốc để xác định vùng này” – Chủ tịch nước cho biết.
Công trình trái phép của Trung Quốc tại đá Huy Gơ (bãi Tư Nghĩa). |
Cũng theo ông thì hiện các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đang thực hiện giải pháp tạm thời là đã ký DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông). Tuy nhiên Tuyên bố này có hạn chế là không có chế tài nên các bên đang đàm phán để tiến tới COC.
Chủ tịch nước cũng cho hay, trong nhiều cuộc gặp gỡ với nguyên thủ các nước ông đã đặt câu hỏi về đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra.
“Ông là quốc gia ven biển, ai đó vẽ cái đường nào đó không tôn trọng 200 hải lý thì ông thế nào? Họ đều lắc đầu. Những ai có lương tri đều nhìn thấy ngay sự phi lý này (…) Thậm chí ngay trong một số buổi hội thảo có những học giả của Trung Quốc đã phải thừa nhận rằng cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò rất mơ hồ” – ông cho hay.
“Lập luận của họ là ngày xưa tổ tiên đi buôn bán ở vùng biển này, tàu bè có đi qua thì họ vẽ (…) Nhưng dù nước Anh thời chiến tranh thế giới thứ 2 cũng chiếm đóng hơn 40 quốc gia nhưng họ cũng không bao giờ tuyên bố vùng biển mà tổ tiên họ đi qua là của họ. Người Hà Lan, Nhật Bản vào tận Hội An buôn bán nhưng họ cũng đâu có tuyên bố biển của họ đến đó. Đó là sự phi lý, sự ỷ lại của nước lớn, nó không phải là hình ảnh của một cường quốc” – Chủ tịch nước nói.