Chủ tịch IPU: “Chúng tôi thấy vinh dự khi có mặt tại Việt Nam”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch IPU Saber Chowdhury chủ trì cuộc họp báo quốc tế (Ảnh: ND) |
Chiều 26/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch IPU Saber Chowdhury chủ trì cuộc họp báo quốc tế về Đại hồi đồng liên minh Nghị viện thế giới IPU-132 và các kỳ họp liên quan tại Hà Nội.
“Việt Nam đã làm được những điều phi thường”
Tại kỳ họp này, đoàn nghị sỹ từ các nơi trên thế giới sẽ tham gia thảo luận về chủ đề “các mục tiêu phát triển bền vững, biến lời nói thành hành động”. Đây là chủ đề lớn mang tính trọng tâm, vừa đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ mà các thành viên Liên hợp quốc đã cam kết mạnh mẽ từ năm 2000, vừa đề ra những khuôn khổ cho sự phát triển tiếp theo.
Đại hội đồng cũng sẽ thông qua các dự thảo nghị quyết tại 4 Ủy ban về hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển bền vững, tài chính và thương mại, dân chủ và nhân quyền, các vấn đề Liên hợp quốc. Các Nghị sỹ cũng thảo luận xem xét thông qua Nghị quyết về chủ đề khẩn cấp.
Ngoài các sự kiện trên, Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện cũng sẽ họp thảo luận về các chủ đề: “Tìm kiếm mô hình cơ quan giúp việc hoạt động hiệu quả” và “vận động hành lang và các nhóm lợi ích – một khía cạnh khác của quy trình lập pháp”.
Cũng trong khuôn khổ kỳ họp này, Diễn đàn nghị sỹ trẻ sẽ họp thảo luận, đưa ra quan điểm của giới trẻ về hai dự thảo nghị quyết chiến tranh mạng và định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước. Hội nghị Nữ nghị sỹ với sự tham dự của hơn 200 nữ đại biểu sẽ kỷ niệm 30 năm thành lập cơ chế Hội nghị Nữ nghị sỹ.
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury cho biết, với chủ đề các mục tiêu phát triển bền vững, biến lời nói thành hành động vô cùng quan trọng và sẽ được thể hiện qua tuyên bố Hà Nội. Đây là tuyên bố chung của kỳ họp và được gửi đến kỳ họp của Liên hợp quốc diễn ra vào tháng 9. Do đó Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng, và được quốc tế công nhận về vai trò phát triển bền vững thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
“IPU đại diện cho 6,5 tỷ người trên thế giới. Chúng tôi rất vui được hợp tác với Quốc hội Việt Nam. Việt Nam đã làm được những điều phi thường về công tác chuẩn bị. Chúng tôi cảm thấy vinh dự khi có mặt tại Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm cũng như học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam vì mục tiêu chung trong phát triển kinh tế. Tất cả những gì chúng ta làm đều là vì dân, hướng đến nhân dân” – ông Saber Chowdhury chia sẻ.
Nhiệm kỳ tới Quốc hội Việt Nam sẽ có 30% nữ giới
Trả lời câu hỏi của báo chí về vai trò của Quốc hội Việt Nam trong phát triển IPU trong thời gian tới, ông Saber Chowdhury, Chủ tịch IPU cho biết: IPU là tổ chức nghị viện thế giới, là nơi đưa các nghị sỹ Quốc hội gần nhau hơn để chia sẻ kinh nghiệm, hòa bình và phát triển. “Hòa bình rất quan trọng. Không có hòa bình, không thể có phát triển bền vững nên cần phải tăng cường đối thoại. IPU sẽ tạo điều kiện để các nghị sỹ tăng cường đối thoại với nhau hơn…"
Chủ tịch IPU cũng nhấn mạnh, mối quan hệ giữa các Chính phủ với Nghị viện rất quan trọng, bản thân các nghị sỹ Quốc hội cần hợp tác với nhau một cách hài hòa. Chúng tôi luôn hướng đến sự bền vững để chúng ta cùng phát triển tốt hơn.
Liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, theo Chủ tịch IPU, đây là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong IPU. “Ở nước tôi Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Đảng đối lập đều là phụ nữ. Vì thế cần tạo điều kiện để càng nhiều phụ nữ tham gia vào chính trị ở cấp cơ sở càng tốt”.
Tổng thư ký IPU cũng cho biết, IPU đang thúc đẩy bình đẳng giới cả trong đời sống và chính trị. Tỷ lệ nữ nghị sỹ trước đây chỉ 11%, bây giờ đã lên 22%. Mặc dù đã có tiến triển, song theo Tổng thư ký, kết quả này vẫn chưa được như mong muốn. “Chúng tôi rất ngưỡng mộ khi Việt Nam có 25% phụ nữ là nghị sỹ, và mong rằng sắp tới sẽ đẩy lên 35- 40% như Quốc hội Việt Nam đã đề ra”.
Cùng trao đổi với phóng viên báo giới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói, mục tiêu ở Việt Nam là làm cho phụ nữ và nam giới bình đẳng hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục đời sống xã hội. Làm sao để phụ nữ đỡ vất vả hơn, trong đời sống kinh tế phụ nữ có quyền cao hơn, còn trong chính trị có quyền tham gia vào chính trị nhiều hơn.
"Nhiệm kỳ tới Quốc hội Việt Nam sẽ cố gắng có 30% phụ nữ tham gia, nếu trên nữa thì càng tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nói, nếu giải phóng đất nước, đem lại độc lập tự do no ấm mà chưa giải phóng phụ nữ thì mới giải phóng có một nửa" - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ.