Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị: "Hy sinh cây xanh không có nghĩa là chặt bỏ"
Sự việc Hà Nội quyết định thay thế 6.700 cây xanh trong các tuyến phố đang gây nhiều phản ứng trong dư luận. Đa số ý kiến của người dân là phản đối chủ trương này của thành phố Hà Nội với nhiều băn khoăn, thắc mắc khác nhau. Bên cạnh yếu tố tình cảm của người dân thủ đô với những hàng cây quen thuộc, chủ trương chặt hạ và thay thế 6.700 cây xanh có ảnh hưởng thế nào đối với vấn đề quy hoạch, kiến trúc và phát triển của thành phố? Để rộng đường dư luận, Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam và Nguyên kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm.
Suốt cuộc trao đổi với PV Infonet, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam luôn nhấn mạnh yếu tố quan trọng của cây xanh bởi chúng không chỉ là lá phổi để điều hòa không khí cho con người, mà còn làm đẹp cho thành phố, tạo nên thương hiệu và sự khác biệt giữa các thành phố.
Nhiều cây xanh ở các tuyến phố Hà Nội bị chặt hạ khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Xuân Phú. |
Hà Nội được thế giới đánh giá là thành phố xanh, đẹp với nhiều cây xanh, mặt nước. Trong quy hoạch đô thị có quy hoạch riêng cho cây xanh, mặt nước. Lúc mở rộng Thủ đô Hà Nội năm 2008 thì đã có một slogan rất hay để phát triển Hà Nội: “Thành phố xanh – văn hiến – văn minh và hiện đại”, yếu tố xanh vẫn đi đầu.
Chính vì thế, ông Chính cho rằng, cây xanh rất quan trọng, việc thay thế, cải tạo cây xanh các đường phố là đúng, nhưng làm như thế nào mới là điều quan trọng nhất.
Thay thế tất cả những cây như cây cong, cây bị sâu bệnh, cây không đúng chủng loại, cây có khả năng gãy đổ mùa mưa bão gây ảnh hưởng giao thông đô thị… là việc đương nhiên. Nhưng thay thế cây như thế nào, thời gian nào, công tác truyền thông thế nào để người dân hiểu và cộng đồng có được tham gia ý kiến vào việc chặt hạ cây không? Đây là trách nhiệm của những người làm quản lý ở Hà Nội.
“Tôi thấy cũng có họp báo nhưng đó mới chỉ là hình thức thôi. Còn những người sống ở các khu phố, những người có trách nhiệm có được tham gia, xem xét không?”, ông Chính đặt câu hỏi.
Chủ tịch Hội Quy hoạch đặt câu hỏi việc giữ gìn cây xanh trên đường phố và làm đường sắt đô thị thì việc nào có ý nghĩa? Nhưng chúng ta đang cần giao thông đường sắt để tạo giao thông đô thị tốt hơn thì cần “hy sinh” cây xanh. Tuy nhiên, “hy sinh” cây xanh không có nghĩa là chặt bỏ đi mà có thể chuyển nó đi trồng ở những nơi khác như trường học, bệnh viện hay công viên…
Nếu làm như thế cây xanh sẽ không bị mất đi mà chỉ là chuyển từ nơi này sang trồng nơi khác, tránh lãng phí, bởi phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm mới có được những hàng cây xanh to lớn, đẹp và quý cho Hà Nội.
Mặt khác, ông Chính cho rằng, khi đã chặt hạ thì phải thay thế cây như thế nào cho phù hợp, không phải chúng ta chặt cây cao lớn 10 – 15m trên đường phố nhưng lại chỉ thay thế vào đó một cái cây chỉ cao 2 - 3m thì không thể được.
Chủ trương về cải tạo hệ thống cây xanh đường phố là đúng, ở đô thị nào cũng như thế nhưng chúng ta phải thể hiện trong thực tiễn như thế nào để chủ trương phải đúng trong từng đô thị, phải tuyên truyền cho người dân hiểu để họ hiểu. không cảm thấy bức xúc và ảnh hưởng đến tâm lý tình cảm, niềm tin của người dân với chính quyền.
“Theo tôi, bây giờ cần dừng lại tất cả việc chặt hạ cây xanh, phải chọn lọc và xem xét ý kiến của người dân. Đồng thời, cần có ý kiến của những người có chuyên môn, có trách nhiệm. Dừng lại không có nghĩa là dừng hẳn, mà dừng lại để chúng ta xem xét việc chúng ta làm còn gì sai sót để nhanh chóng rút kinh nghiệm rồi tiếp tục triển khai”, ông Chính nêu quan điểm.
Quang cảnh Công viên Thống nhất - Hà Nội. (Ảnh: Zing.vn) |
Nguyên kiến trúc sư trưởng Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm thì cho rằng, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề cây xanh nên có riêng một Nghị định số 64/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định về quản lý cây xanh đô thị.
“Sau 5 năm ra Nghị định đến nay Hà Nội mới quyết liệt thực hiện chặt hạ những cây không đảm bảo an toàn, mục ruỗng, hoặc không tạo bản sắc cho từng đường phố, khu vực…. như vậy phù hợp với quy định của pháp luật. TP Hà Nội có quy hoạch về công viên, cây xanh đã được phê duyệt nên bây giờ tổ chức thực hiện quy hoạch là điểm nên hoan nghênh”, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Hơn nữa, theo vị KTS này thì xét về góc độ quy hoạch, việc tạo lập cây xanh mang bản sắc riêng cho từng đường phố, từng khu vực cũng là hợp lý.
“Trong quá trình thực hiện có chỗ này chỗ kia sai nhưng đó chỉ là tiểu tiết, quan trọng là định hướng đúng. Việc chặt hạ cây xanh thế nào không nhất thiết phải hỏi dân cư, nhưng phải quan tâm đến yêu cầu của chính quyền địa phương, phải tuyên truyền rộng rãi cho cộng đồng, nhất là dân cư những khu vực liên quan để người ta biết, bởi trong quy định trách nhiệm cây xanh thì những người dân ở những ngôi nhà gần cây xanh phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cây trước cửa nhà mình.
Phải tuyên truyền rộng rãi để nhận được sự đồng thuận của người dân với chủ trương của thành phố bởi việc thay thế các cây xanh sẽ làm cho bộ mặt đô thị đẹp hơn, tốt hơn”, ông Nghiêm nói.