Chủ tịch Hiệp hội vận tải HN: Ô tô con không biết để bình cứu hỏa vào đâu!
- Mấy ngày nay, dư luận xôn xao về việc Bộ Công an quy định xe ô tô phải có bình cứu hỏa bên trong. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Ông Bùi Danh Liên: Tôi hoan nghênh các Bộ chuyên ngành đã nghiên cứu và đề xuất ra các giải pháp nhằm đảm bảo lợi ích của cộng đồng, của chủ xe. Đây cũng là một lần rà soát lại các phương tiện cứu hỏa, cứu nạn trên các phương tiện giao thông. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thăm dò ý kiến của các hội viên và họ không tán thành việc này. Ngay cả người dân cũng vậy.
Theo ý kiến của đông đảo lái xe, với xe chở khách từ 12 chỗ trở lên lâu nay đã có bình cứu hỏa. Mặc dù, không có quy định nhưng nhà xe khi học luật đã tự trang bị thiết bị này. Bộ Giao thông vận tải cũng đã quan tâm đến các dụng cụ thiết yếu khác trên xe: búa phá cửa xe, có cửa thoát hiểm… Đây là những điều hết sức cấp thiết và đều được thể hiện trong các quy định của Bộ Giao thông và trong quy trình vận hành của lái xe.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên |
Tuy nhiên, bây giờ bổ sung thêm các dụng cụ khác, nếu nói là cần thiết thì gì cũng cần nhưng có phù hợp với quy chuẩn pháp luật hay chưa?
Thứ nhất, xe chở khách từ 9 chỗ trở xuống trong thiết kế của xe không có vị trí để lắp đặt thêm bình cứu hỏa. Lý sự của người ta là khi xe con đã cháy, động cơ nằm ở phía trước, bịt kín bằng nắp capo cho nên khi cháy bùng lên thì không cách nào xử lý được. Cho nên khuyến cáo của lái xe là khi xe con cháy phải bật cửa chạy thật xa vì bình xăng có thể nổ.
Thứ hai, quy chuẩn của kiểm định Việt Nam không có quy định nào quy định xe dưới 9 chỗ phải lắp đặt bình cứu hỏa. Bây giờ nếu đưa bình cứu hỏa vào nó vừa trái với quy chuẩn đăng kiểm Việt Nam.
Hơn nữa, nếu đưa vào anh đã thay đổi thiết kế của cái xe đó có thể bị CSGT phạt. Ví dụ, xe ô tô kính màu trắng nhưng anh dán nilon màu đen là bị phạt. Xe của tôi cũng từng bị phạt vì lỗi này.
Do đó, nếu bây giờ lại phải thiết kế chỗ để lắp bình cứu hỏa trên xe 4 chỗ là sai quy chuẩn ban hành. Việc này ý tưởng là tốt nhưng quy trình chưa phù hợp với văn bản quy chuẩn hiện nay.
- Ông đánh giá thế nào về mức độ an toàn của các bình cứu hỏa khi để trên xe ô tô?
Ông Bùi Danh Liên: Bình cứu hỏa trên xe lớn họ đã thiết kế chỗ móc treo, có dây buộc vào nên có quy chuẩn an toàn cho nên không ngại. Ngại nhất là xe 9 chỗ trở xuống.
Có thể chúng tôi là người bảo thủ, không nắm được nhưng không biết để vào đâu. Nhà tôi cũng có một chiếc xe con nhưng nếu bây giờ để hốc cánh cửa thì bình cứu hỏa chỉ bằng chai la- vi bé tẹo thôi nên chẳng có tác dụng gì vì khi xe bùng cháy rồi thì dung lượng của bình cứu hỏa đó không có tác dụng.
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, ô tô con đã cháy thì có bình cứu hỏa ở trong xe cũng vô dụng. (Ảnh minh họa) |
- Vậy theo ông, nếu bắt buộc phải để bình cứu hỏa trên xe con thì nên để ở đâu cho tiện lợi và hiệu quả?
Ông Bùi Danh Liên: Đối với xe 9 chỗ không thể có chỗ nào để bình to được. Chỉ có thể để lăn lóc dưới sàn thôi nhưng lăn lóc như thế nó va chạm xảy ra cháy nổ thì sao. Nói tóm lại là với xe dưới 9 chỗ nên bỏ quy định này vì không phù hợp với thực tế.
- Sau khi Bộ Công an đưa ra quy định xe ô tô bắt buộc phải được trang bị bình cứu hỏa, nhiều người đã đổ xô đi mua phương tiện chữa cháy mini này. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Ông Bùi Danh Liên: Đối với bình cứu hỏa phải có quy chuẩn của nó, phải có tem bảo hành có năm sử dụng, còn nếu mua cái bình xong để năm này qua năm khác thì không biết còn có thể sử dụng được không?
Bây giờ người dân mua chủ yếu ở chợ trời, thị trường tự do cho nên tôi không tin tất cả đều đảm bảo. Vì vậy, nếu không có kiểm tra định kỳ thì cũng rất khó sử dụng hiệu quả, nhất là ở Việt Nam thời tiết nắng nóng.
- Quy định này ở nước ngoài thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Danh Liên: Tôi đã đi taxi ở nước ngoài và thấy rằng không có bình cứu hỏa trên xe 4 chỗ. Nếu có nó phải nằm trong quy chuẩn kỹ thuật kiểm định. Ngay Cục Kiểm định Việt Nam cũng đã tuyên bố khi “khám” xe không cần bình cứu hỏa vì việc này không nằm trong quy chuẩn đăng kiểm.
- Trước quy định của Bộ Công an, Hiệp hội vận tải Hà Nội dự định có ý kiến gì với các cơ quan chức năng về việc này?
Ông Bùi Danh Liên: Việc này Hiệp hội vận tải không được tham gia ý kiến. Nếu được góp ý theo đúng quy trình văn bản pháp luật, nếu chúng tôi nhận được, chúng tôi sẽ tham gia nhưng chúng tôi không được lấy ý kiến.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!